Cách mạng tư duy để chuyển đổi số du lịch bền vững
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số cho rằng, sự chuyển đổi của ngành du lịch đòi hỏi cách tư duy mới (tư duy số) cùng những năng lực mới (năng lực số) để có thể chuyển đổi một cách hiệu quả, bền vững.
Ngày 17/8, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng MobiFone tổ chức hội thảo Ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch, nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng, phát triển du lịch thông minh, bền vững.
Với chủ đề Xây dựng giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển du lịch thông minh, tại phiên tọa đàm, các diễn giả cùng các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong thời gian tới.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số nhận định, ngành du lịch thời gian qua đã thay đổi một cách căn bản, toàn diện trong bối cảnh kỷ nguyên số. “Từ cách tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ du lịch mang tính trực tiếp trước đây đã chuyển sang các cách tiếp cận mới thông qua các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội, các giao dịch trực tuyến và đang tiến đến giao dịch số”, ông Giang nêu rõ.
Cùng với đó là cải cách các sản phẩm, dịch vụ du lịch được thiết kế bao hàm cả sự tích hợp các trải nghiệm trực tiếp với các trải nghiệm số. Đồng thời, thay đổi cách cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch với những dịch vụ thanh toán, dịch vụ bản đồ số, hỗ trợ tìm kiếm, đánh giá xếp hạng, bảo hiểm…
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số
Tuy nhiên, để ngành du lịch chuyển đổi số thông minh và bền vững, Viện trưởng Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, điều quan trọng là cần tiến hành một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy trong cách phát triển, thiết kế các sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như vận hành các hoạt động du lịch theo hướng kết hợp người và máy (H2M).
Theo sau đó, ngành du lịch phải hình thành một hình thái tổ chức mới phù hợp với kỷ nguyên số, trong đó công nghệ là động lực, hình thành nên môi trường du lịch số làm nền tảng dẫn động, và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng sức mạnh của ngành du lịch từ dựa vào vốn tài chính (capital) sang dựa vào vốn dữ liệu (data-capital).
Đồng quan điểm, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, chuyển đổi số ngành du lịch đòi hỏi sự đổi mới cả trong tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch, từ cơ quan quản lý cho đến doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương.
Theo ông Nghĩa, chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá. Hơn nữa, tiến trình này cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, động lực nhằm cung cấp dịch vụ ngày càng có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội đưa ra những giải pháp phát triển du lịch bền vững. Đó là bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa; khuyến khích du lịch sinh thái; khai thác và quảng bá du lịch nông nghiệp.
Song song với đó, cần liên kết với các địa phương trong xây dựng sản phẩm kết nối vùng hấp dẫn, có lợi thế cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á; xây dựng mối liên kết cộng đồng làm du lịch cũng như áp dụng các giá trị du lịch bền vững.
Các chuyên gia tham dự tại sự kiện cũng kiến nghị một số giải pháp cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Cần tổ chức cơ sở dữ liệu đồng nhất, quản lý tập trung cũng như xây dựng dữ liệu Big Data (dữ liệu lớn) một cách trực quan, cùng với đó là tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế các mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch số…