Cách Mỹ phục hồi nền kinh tế ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới
Thế giới đang ở thời khắc quyết định đối với quá trình phục hồi nền kinh tế, đòi hỏi mọi hành động phải đi đúng hướng nếu không sẽ khiến các thị trường toàn cầu biến động.
Trong 4 năm qua, thế giới đã đồng lòng trong nỗ lực ứng phó với tác động kinh tế do đại dịch và sau đó là hạ nhiệt lạm phát cao kỷ lục. Khi đại dịch bùng phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã hạ lãi suất xuống 0% như những gì đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính. Khi lạm phát tăng, các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất nhanh chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Tất cả những điều này đảm bảo rằng các thị trường vẫn ổn định và có thể dự báo. Tuy nhiên, hiện thế giới đang có nguy cơ mất đi sự thống nhất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu hạ lãi suất trong tuần trước, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm. Động thái này không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng rằng Khu vực sử dụng đồng euro đang trong trận chiến cuối cùng chống lạm phát mà còn là dấu hiệu về sự lo ngại rằng nền kinh tế khu vực cần sự hỗ trợ để tiếp tục phục hồi. Các nhà đầu tư và giới kinh tế nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hành động tương tự và hạ lãi suất vào tháng 9/2024. Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới sẽ bắt đầu phối hợp hành động tiến tới việc "hạ cánh mềm" của nền kinh tế, khi vừa kiểm soát được lạm phát vừa tránh được suy thoái. Đầu năm nay, Phố Wall nhận định lạm phát hạ nhiệt, nền kinh tế chậm lại xuống mức tăng trưởng vừa phải hơn và có thể Fed sẽ hạ lãi suất đến 6 lần. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao và tốc độ tăng trưởng trái với dự báo. Điều này cho thấy có thể Fed sẽ không hạ lãi suất vào tháng Chín tới như dự báo của Phố Wall. Nếu Fed không hạ lãi suất vào mùa Thu, lãi suất tại Mỹ cao sẽ lạc nhịp với phần còn lại của thế giới. Điều này sẽ hướng dòng tiền vào Mỹ. Sự gia tăng dòng tiền mặt đột ngột có thể đưa thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính đúng vào lúc Fed đang nỗ lực hạn chế và kéo giá cả lên. Điều này sẽ khiến Fed thậm chí còn khó khăn hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, làm gia tăng sự phân kỳ về chính sách giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới.
Theo thời gian, điều đó có thể khiến các thị trường thêm biến động. Trong tuần này, Phố Wall có thể nhận định kinh tế Mỹ đang lạm phát đình trệ, nhưng trong tuần sau đó có thể tin rằng kinh tế nước này sẽ "hạ cánh mềm". Sự khác biệt về chính sách tiền tệ có thể có tác động tương tự đến thị trường tiền tệ. Lãi suất tại Mỹ đã cao hơn các nước khác, khi ở mức 5,25- 5,5%. Sự chênh lệch lãi suất cho phép các nhà đầu tư trên Phố Wall vay tiền từ một quốc gia có mức lãi suất thấp, đầu tư vào trái phiếu ở một quốc gia có lãi suất cao để hưởng phần chênh lệch. Điều này có nghĩa họ sử dụng tiền từ phần còn lại của thế giới để mua tài sản của Mỹ, đặc biệt là trái phiếu chính phủ. Đối với Mỹ, dòng tiền đổ vào nhiều hơn có tác động trái ngược với mong muốn của Fed, khi đẩy giá tài sản lên và nới lỏng các điều kiện tài chính. Nói cách khác, Fed sẽ gặp khó khăn hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Có hy vọng rằng tình trạng chênh lệch lãi suất chỉ là vấn đề tạm thời. Nếu số liệu kinh tế của Mỹ yếu, Fed sẽ phải đẩy nhanh động thái hạ lãi suất. Có những dấu hiệu cho thấy lạm phát tại châu Âu dai dẳng hơn mong muốn của các nhà hoạch định chính sách, điều có thể làm chậm tốc độ hạ lãi suất đủ để Mỹ bắt kịp. Có dấu hiệu nền kinh tế rất nóng của Mỹ đã phần nào hạ nhiệt. Khoản tiết kiệm của hộ gia đình ở mức thấp nhất trong 16 tháng, thu nhập khả dụng chỉ tăng nhẹ và số người phải thanh toán tín dụng gia tăng. Thị trường việc làm cũng bớt nóng và cơ hội việc làm đã trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, không phải mọi dấu hiệu đều báo hiệu triển vọng nền kinh tế hạ cánh mềm. Báo cáo việc làm tháng 5/2024 cho thấy có 272.000 việc làm mới được tạo ra, cao hơn mức dự báo 182.000 việc làm. Bên kia bờ Đại Tây Dương, lạm phát tại Anh và Liên minh châu Âu (EU) có thể dai dẳng hơn dự kiến của các nhà hoạch định chính sách. Lạm phát tại EU tăng nhẹ lên 2,6% trong tháng 5/2024, gây bất ngờ cho ECB, nhưng không đủ để ngăn cản quyết định hạ lãi suất hôm 6/6. Tại Anh, lạm phát giá dịch vụ ở mức 5,9% trong tháng 4/2024. Nhà kinh tế Basic Vasiljev tại Oxford Economics cho rằng điều đó cho thấy EU và Mỹ đang song hành hơn và những khác biệt chính sách hiện nay sẽ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các nhà phân tích trên Phố Wall vẫn nhận định ECB và Ngân hàng trung ương Anh sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm nay. Ngay cả khi mức giảm nhẹ là 0,25 điểm phần trăm, ba lần hạ lãi suất sẽ tạo ra sự chênh lệch mà các nhà giao dịch sẽ tranh thủ. Nếu kinh tế Mỹ vẫn nóng vào tháng Chín tới, các giao dịch trên sự chênh lệch lãi suất có thể tiếp tục trong cả năm, làm gia tăng các điều kiện khiến chính sách tiền tệ tiếp tục mất sự đồng bộ. Khi tiền từ châu Âu, Canada (Ca-na-đa), Anh, Đông Á đổ vào các thị trường Mỹ trong cả mùa Hè, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải có sự điều chỉnh.