Cách nào bảo tồn voi rừng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng?
Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) lưu giữ tiêu bản từ hai cá thể voi rừng chết ở huyện Con Cuông nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp bảo tồn loài voi rừng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Giữ tiêu bản voi rừng
Vào tháng 2 và 3 năm 2024, hai cá thể voi rừng được phát hiện chết tại khu vực Khe Nóng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Kết quả kiểm tra hiện trường không ghi nhận dấu hiệu của sự tấn công từ con người hay động vật khác. Nguyên nhân tử vong được nhận định là do già yếu.

Voi rừng xuất hiện ở bản Châu Phong (huyện Quỳ Châu).
Nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ lại bộ xương để làm tiêu bản phục vụ nghiên cứu và giáo dục, Vườn quốc gia Pù Mát đề xuất phương án bảo quản và nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan chức năng. Dưới sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí xã hội hóa, quá trình xử lý và bảo quản hai bộ xương voi đã được triển khai. Công đoạn này bao gồm việc chôn xác voi trong cát để đẩy nhanh quá trình phân hủy, sau đó sử dụng hóa chất đặc biệt để làm sạch và lắp ráp lại toàn bộ bộ xương. Quá trình kéo dài gần một năm mới hoàn tất.
Từ tháng 12/2024, hai bộ xương voi được trưng bày tại khuôn viên Vườn quốc gia Pù Mát, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn loài voi rừng.
Gửi đi thông điệp bảo tồn voi rừng
Theo thống kê của Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An hiện có khoảng 13-15 con voi rừng, là địa phương có số lượng voi rừng đứng thứ ba cả nước, sau Đắk Lắk và Đồng Nai. Trong đó, 11-13 con sinh sống trong khu vực Vườn quốc gia Pù Mát. Ba con voi còn lại gồm một voi cái sống đơn độc tại hai xã Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Quỳ Hợp) và một voi con ở xã Châu Phong.

Tiêu bản xương voi từ 2 cá thể voi rừng chết ở huyện Con Cuông được dựng tại khuôn viên Vườn quốc gia Pù Mát.
Dù vẫn còn một số đàn voi tự nhiên, nhưng hầu hết đều là đàn nhỏ lẻ, không còn khả năng phát triển. Nhiều con voi đã sống đơn độc suốt hàng chục năm, thường xuyên xuất hiện tại khu dân cư, phá hoại hoa màu và xung đột với con người. Nếu không có các biện pháp để sáp nhập với đàn khác, những đàn voi này sẽ dần bị xóa sổ theo thời gian.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, việc giữ lại 2 tiêu bản voi này không chỉ mang giá trị khoa học mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về bảo tồn thiên nhiên. Nếu không có biện pháp bảo vệ và hỗ trợ sinh sản kịp thời, tương lai đàn voi rừng tự nhiên tại Nghệ An sẽ trở nên vô cùng bấp bênh.
"Đây không chỉ là phương tiện truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến du khách, nâng cao nhận thức về môi trường mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh để cộng đồng quan tâm hơn đến đàn voi rừng. Mỗi tiêu bản voi mang theo câu chuyện mà loài động vật này không thể tự cất lời", ông Tuấn nói.

Bộ xương sườn voi phục dựng hoàn chỉnh.
Trước tình trạng suy giảm số lượng voi, Vườn quốc gia Pù Mát đề xuất lên UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng về một dự án bảo tồn voi khẩn cấp. Trong đó, trọng tâm là các biện pháp bảo vệ và phục hồi quần thể voi rừng, bao gồm bảo vệ môi trường sống, giám sát và hỗ trợ sinh sản.
Hành động ngay hôm nay là cách duy nhất để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của voi rừng. Thông điệp từ những bộ xương voi trong khuôn viên Vườn quốc gia Pù Mát không chỉ kể câu chuyện về một loài động vật quý hiếm mà còn là lời nhắc về trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên.
Được biết 10 năm trước, Nghệ An triển khai dự án khẩn cấp bảo tồn voi, trong đó một nhiệm vụ quan trọng là di chuyển những con voi đơn lẻ để nhập đàn. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả cho việc này. Một số ý kiến đề xuất đưa voi đơn lẻ về đàn voi ở Vườn quốc gia Pù Mát, nơi có hệ sinh thái rộng lớn và phù hợp cho bảo tồn động, thực vật hoang dã.
Có thể thấy, việc di chuyển voi rừng không hề đơn giản. Thông thường, phải sử dụng biện pháp gây mê, nhưng với địa hình rừng núi hiểm trở của Nghệ An, phương án này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngay cả khi voi đã được gây mê, việc vận chuyển chúng cũng gặp khó khăn do địa hình phức tạp, hạn chế phương tiện máy móc tiếp cận.
Ngoài ra, theo một chuyên gia nghiên cứu voi rừng tại Vườn quốc gia Pù Mát, voi có ý thức lãnh thổ rất cao, khiến việc nhập đàn gần như bất khả thi. Ngay cả khi có những đàn voi sống sát nhau, chúng vẫn không xâm phạm lãnh thổ của nhau. Do đó, dù có thể di chuyển voi bằng biện pháp gây mê, khả năng hòa nhập đàn của chúng vẫn rất thấp, đặt ra thách thức lớn cho công tác bảo tồn.