Cách nào để giải bài toán ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị nông sản Việt?

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ trong đầu tư vào ngành nông nghiệp, nhưng ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản của Việt Nam vẫn còn tồn tại khoảng cách so với các nước khác...

Chương trình The Wise Talk với chủ đề: “Công nghệ - Chìa khóa giúp tăng giá trị nông sản trong thời đại số”

Chương trình The Wise Talk với chủ đề: “Công nghệ - Chìa khóa giúp tăng giá trị nông sản trong thời đại số”

Nông nghiệp là một trong những trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp ổn định trong tăng trưởng kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp luôn đối mặt với nhiều thách thức như giá cả nông sản bấp bênh, thị trường tiêu thụ hạn hẹp và chất lượng sản phẩm chưa cao. Đặc biệt, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang là những sản phẩm thô, do chưa ứng dụng công nghệ vào các khâu chế biến và bảo quản, vì vậy chưa phát huy cao nhất giá trị của nông sản Việt.

CHẾ BIẾN, BẢO QUẢN NÔNG SẢN THÂN THIỆN, KHÔNG PHỤ THUỘC HÓA CHẤT

Trong chương trình The Wise Talk với chủ đề: “Công nghệ - Chìa khóa giúp tăng giá trị nông sản trong thời đại số” do Trung tâm Kết nối Công nghệ Tương lai (Tech Connect) và VnEconomy tổ chức mới đây, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Nền tảng thương mại điện tử nông sản Foodmap, cho biết từ góc độ kỹ thuật, một trong những yếu tố quan trọng nhất để nâng cao giá trị nông sản là có nguồn nhân lực hiểu biết, có khả năng ứng dụng công nghệ cũng như doanh nghiệp có khả năng đầu tư vào công nghệ để chế biến sâu, từ việc khai thác đến chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Trong khoảng thời gian 20-30 năm qua, Việt Nam đã đầu tư và rút ngắn khoảng cách công nghệ.

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ trong đầu tư vào ngành nông nghiệp, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Bang, Giám đốc Khoa học & Giải pháp Kỹ nghệ, Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản của Việt Nam vẫn còn tồn tại khoảng cách so với các nước khác, đặc biệt là các nước có nền kinh tế mạnh hơn.

Cách đây hơn 10 năm, người Thái đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến rau củ quả. Họ có những chuyên gia đánh giá sản phẩm cụ thể để xuất khẩu vào Châu Âu. Lúc đó, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đủ để làm điều này.

Hiện tại, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của Việt Nam đã có sự cải thiện, sản phẩm nông sản của Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo ông Bang, dù đã có nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu, nhưng việc đào tạo có tính ứng dụng thực tiễn vẫn là một vấn đề. “Nhiều kỹ sư được đào tạo, nhưng khả năng thực tế của họ còn nhiều hạn chế. Do đó, phương pháp đào tạo cần cải thiện để nâng cao tính thực tiễn”, ông Bang nói.

Với tiềm năng và điều kiện thiên nhiên tốt, Việt Nam đang lãng phí một lượng lớn tài nguyên nông nghiệp. Để có thể tận dụng lợi thế cũng như nâng cao giá trị nông sản, ông Bang cho rằng các doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực, cũng như phát triển giải pháp thương mại. Việc kết hợp các yếu tố này không dễ dàng nhưng là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Bang cho rằng nông sản Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng chủ các trang trại cần học hỏi và tuân thủ các điều kiện canh tác an toàn"

Ông Nguyễn Xuân Bang cho rằng nông sản Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng chủ các trang trại cần học hỏi và tuân thủ các điều kiện canh tác an toàn"

Hiện nay việc tiếp cận và áp dụng công nghệ chế biến nông sản đã trở nên có sẵn và dễ dàng hơn, tất cả hầu như phụ thuộc vào hoàn toàn vào khả năng đầu tư của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách thức bảo quản sản phẩm tối ưu, giảm thiểu sự phụ thuộc vào chất bảo quản và hóa chất cũng là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản.

Tương tự như câu chuyện bao bì. Hiện nay, thị trường đã có các loại bao bì thân thiện môi trường và có khả năng kháng khuẩn cao hơn. Ví dụ, bằng cách sử dụng bao bì hút chân không, một sản phẩm như bắp ngô có thể được bảo quản tốt trong vòng một năm. Tuy nhiên, chi phí cho các giải pháp này vẫn là bài toán đau đầu với doanh nghiệp. Bởi vì, chi phí bảo quản, bao bì đội lên sẽ khiến giá sản phẩm đội lên, khó tiếp cận đến người tiêu dùng.

CÂU CHUYỆN CÔNG NGHỆ, BẢO QUẢN THỰC PHẨM CÒN LÀ “MỘT VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH”

Theo các diễn giả của chương trình The Wise Talk, điều quan trọng vẫn là các doanh nghiệp tập trung sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt, từ quá trình sản xuất cho đến kinh doanh. Nông sản Việt Nam có tiềm năng và có thể phát triển thành những ngành sản xuất tốt. Nhưng chủ các trang trại cần học hỏi và tuân thủ các điều kiện canh tác an toàn. Sản phẩm xuất khẩu cần đảm bảo nguyên liệu đầu vào. Theo chia sẻ của ông Bang, cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành khảo sát để đảm bảo các tiêu chuẩn như hữu cơ, Global GAP hay VietGAP được tuân thủ đầy đủ.

“Tuy nhiên, thực tế là việc tuân thủ các tiêu chuẩn này vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc sử dụng các loại hóa chất, và điều này làm chúng tôi rất lo lắng”, ông Bang nói. “Dưới góc độ của chuyên gia kỹ thuật, chúng tôi có thể tư vấn và hướng dẫn các nhà máy và doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng. Ví dụ, chúng tôi có thể giúp giảm tồn dư hóa chất trong nguyên liệu đầu vào bằng các kỹ thuật tiên tiến, nhưng đây thực chất cũng là một vấn đề về đạo đức kinh doanh”.

Đứng ở góc độ của người tiêu dùng, tất cả đều mong muốn các cơ quan chính phủ quản lý thực phẩm một cách nghiêm ngặt hơn. Hành lang pháp lý cần phải thay đổi để đảm bảo rằng mọi sản phẩm đều an toàn, không chỉ là thực phẩm sạch mà còn là tất cả các loại thực phẩm. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm và lựa chọn thực phẩm.

Chúng tôi có thể giúp giảm tồn dư hóa chất trong nguyên liệu đầu vào bằng các kỹ thuật tiên tiến, nhưng đây thực chất cũng là một vấn đề về đạo đức kinh doanh", ông Nguyễn Xuân Bang, Giám đốc Khoa học & Giải pháp Kỹ nghệ, Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Chúng tôi có thể giúp giảm tồn dư hóa chất trong nguyên liệu đầu vào bằng các kỹ thuật tiên tiến, nhưng đây thực chất cũng là một vấn đề về đạo đức kinh doanh", ông Nguyễn Xuân Bang, Giám đốc Khoa học & Giải pháp Kỹ nghệ, Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Ông Bang cho rằng công nghệ sơ chế nông sản đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối diện. “Để đối phó với những thách thức này, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển các giải pháp mới và hiệu quả hơn, nhằm giúp cải thiện chất lượng và bảo quản sản phẩm một cách tối ưu”, ông Bang nói.

Theo ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap, một thách thức lớn hiện nay là việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản quốc gia mạnh mẽ. Các doanh nghiệp tư nhân chưa thể xây dựng được những thương hiệu mạnh mẽ được công nhận trên toàn thế giới.

“Tuy nhiên, với sự phát triển tiếp tục và sự cam kết của chính phủ và các doanh nghiệp, chúng ta có thể cải thiện và nâng cao thương hiệu nông sản quốc gia của mình, từ đó tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Phạm Ngọc Anh Tùng nói.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cach-nao-de-giai-bai-toan-ung-dung-cong-nghe-trong-che-bien-bao-quan-nang-cao-gia-tri-nong-san-viet.htm