Cách nào gỡ khó cho giáo viên khi dạy các môn tích hợp?
Chương trình GDPT 2018 đang đi đến năm thứ ba và chỉ còn hai năm nữa là hoàn thành. Tuy nhiên, những bất cập về các môn học tích hợp vẫn là một thách thức đối với giáo viên, học sinh và nhà trường ở cấp THCS.
Giáo viên gặp nhiều thách thức khi dạy môn tích hợp
Tại Hội thảo khoa học thường niên năm 2023 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho biết, trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018, thực tế vẫn còn những khó khăn, thách thức như vấn đề dạy học môn tích hợp ở cấp THCS.
Đối với những thách thức khi dạy môn học tích hợp ở cấp THCS, TS Đặng Thị Thu Huệ - Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết đã cùng nhóm nghiên cứu khảo sát đối với giáo viên trong 5 tỉnh: Hưng Yên, Lào Cai, Nghệ An, Kiên Giang, TP.HCM.
Theo đó, với mẫu là 3.643 giáo viên được phân công dạy các môn tích hợp lớp 6 và 7 theo chương trình phổ thông 2018, kết quả cho thấy chưa đến 50% số giáo viên THCS dạy học tích hợp tự tin khi thực hiện các hoạt động đưa ra trong khi đó, chỉ dưới 4% giáo viên bày tỏ rất tự tin.
Khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ giáo viên THCS gặp "Khó khăn" trong dạy học tích hợp là cao nhất với gần 16%. Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nguồn học liệu, kết quả khảo sát cho thấy có tới 29,7 đến 40,2% giáo viên cho rằng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nguồn học liệu không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần việc dạy học tích hợp. Kết quả phỏng vấn, cán bộ quản lý và giáo viên phàn nàn tích hợp gây khó khăn về sắp xếp giáo viên. Thậm chí, học sinh bị lẫn lộn các phân môn khi thực hiện dạy song song cả 2 hay 3 phân môn, ví dụ như quên mang vở, sách...
Chia sẻ với PV, cô Hà Thủy (một giáo viên cấp THCS ở Hà Nội) cho rằng, dạy học tích hợp là một nội dung quan trọng được đặt ra khi thực hiện đổi mới chương trình SGK. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nhân lực, khi các giáo viên được đào tạo đơn môn nay phải dạy kiến thức tổng hợp.
Theo cô Thủy, dù có sự phối hợp của các tổ giáo viên, dù được tập huấn… nhưng nhiều thầy cô chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn tự tin khi đứng lớp và vất vả khi soạn giáo án, vất vả khi trước mỗi tiết học phải dành thời gian ngồi cùng nhau để lấy ý kiến. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, dụng cụ học tập chưa được đảm bảo khiến giáo viên và học sinh vẫn còn loay hoay khi thực hiện kế hoạch chương trình.
Vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước
Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề xuất một số khuyến nghị giúp giáo viên THCS dạy học môn tích hợp vượt qua các thách thức để triển khai thành công Chương trình GDPT 2018.
Theo đó, Bộ GD&ĐT cần xác định vấn đề, nội dung tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng giáo viên dạy môn học tích hợp theo đặc điểm vùng miền, độ tuổi; đồng thời, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa Bộ và các địa phương trong triển khai tập huấn về dạy học tích hợp bằng hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp cho giáo viên. Tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cần được xây dựng và cung cấp đầy đủ, cơ bản, thiết thực bằng cả bản mềm và bản cứng cho giáo viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng ở những khóa tập huấn tiếp theo.
Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng và ban hành các chính sách về chế độ lương, phụ cấp, khen thưởng phù hợp, trong đó chú ý đến chế độ trong thời gian giáo viên dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, thiết bị dạy học, nguồn tài nguyên dạy - học.
Về phía các nhà trường, xác định đúng trọng tâm vấn đề và các nội dung cần bồi dưỡng của các nhóm đối tượng giáo viên dạy các môn học tích hợp; tạo điều kiện để tất cả giáo viên dạy môn học tích hợp được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ, đặc biệt là với nhóm giáo viên dạy môn học tích hợp có ít năm công tác. Ngoài ra, có thể tổ chức các chuyên đề giữa các cụm trường chia sẻ về các vấn đề chuyên môn trong dạy học các môn học tích hợp.
Liên quan đến vấn đề này, về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, kể từ khi chương trình GDPT 2018 được ban hành và đi vào triển khai trên thực tế, mới có căn cứ cần phải có giáo viên dạy môn tích hợp và các trường sư phạm cũng mới có căn cứ để triển khai chương trình đào tạo và mới có thể tuyển sinh. "Để đổi mới giáo dục và triển khai chương trình GDPT 2018, chúng ta không phải bắt đầu bằng một đội ngũ giáo viên hoàn toàn mới mà chúng ta phải bắt đầu từ lực lượng cũ đã và đang được tập huấn, hỗ trợ, những giáo viên năng động, tích cực tham gia tập huấn và tích cực trong thực tế, nhiều người đã thích ứng được với các môn tích hợp.
Các địa phương tùy theo khả năng của các giáo viên, sắp xếp 2-3 giáo viên cùng dạy các mạch kiến thức trong môn tích hợp, điều này chúng tôi cũng đã hướng dẫn trong các nhà trường, không nhất thiết yêu cầu giáo viên cùng lúc dạy 2-3 mạch kiến thức đối với các môn tích hợp. Mà tùy theo năng lực của giáo viên để có từng bước phù hợp, tránh căng thẳng cho giáo viên. Một tin vui là những lứa sinh viên đào tạo đúng theo hướng dạy học tích hợp sẽ ra trường vào năm 2024 tới đây. Như vậy, vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước, từng bước", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.