Cách nào hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành xây dựng?
Khối lượng công việc lớn, yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe đặt ra thách thức với lĩnh vực xây dựng - giao thông trong tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu và khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ.
Vẫn trong cảnh "thừa thầy, thiếu thợ"
Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành xây dựng những năm tới dự báo vẫn rất lớn (Ảnh minh họa).
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện hữu và phát triển 9 tuyến đường sắt mới để hình thành mạng lưới đường sắt bao phủ và kết nối trên toàn quốc.
Chiến lược phát triển mạnh mẽ sẽ đòi hỏi bổ sung một nguồn nhân lực lớn, cả giai đoạn xây dựng và giai đoạn khai thác vận hành.
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT trước đây ước tính, giai đoạn cao điểm, tổng nhu cầu nhân lực trực tiếp ở các khối quản lý Nhà nước, quản lý dự án, tư vấn, xây lắp, vận hành cho xây dựng, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể lên đến khoảng 200.000 - 250.000 lao động.
Số lượng này bao gồm: nhân lực quản lý dự án 700 - 900 cán bộ; Tư vấn 1.100 - 1.300 lao động; Xây lắp 180.000 - 240.000 lao động; Vận hành là 13.880 lao động.
Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhu cầu lao động của ngành xây dựng sẽ còn tiếp tục tăng trong bối cảnh khối lượng công việc lĩnh vực xây dựng giao thông còn rất lớn.
Dự báo của các chuyên gia cho thấy, mỗi năm, ngành Xây dựng tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động. Số lượng lao động làm việc trong ngành này vào năm 2030 có thể đạt 12 - 13 triệu người.
Một thông tin đáng chú ý được đưa ra, số lượng lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ gần 12%. Số thợ bậc cao (bậc 6, 7) chiếm khoảng 7% nhân lực ngành.
Cơ cấu bình quân giữa kỹ sư - trung cấp chuyên nghiệp - công nhân học nghề ở nước ta hiện nay lần lượt tương ứng với tỷ lệ 1 - 1,3 - 0,5, trong khi các nước trên thế giới bình quân là 1 - 4 - 10. Tỷ lệ này đã phản ánh tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trước đây (nay là Bộ Nội vụ), phần lớn lao động ngành Xây dựng hiện nay thuộc nhóm tuổi trên 40, trong khi nguồn nhân lực trẻ thiếu hụt do nhiều bạn trẻ chuyển hướng sang các ngành nghề hấp dẫn hơn về thu nhập và môi trường làm việc.
Điều này dẫn đến nguy cơ "đứt gãy" nguồn nhân lực chất lượng cao trong các năm tới nếu không có chính sách thu hút và đào tạo bền vững.
Chương trình đào tạo tại nhiều trường đại học, cao đẳng chưa cập nhật kịp thời những công nghệ mới như: BIM, công nghệ xanh, tự động hóa thi công, AI trong quản lý dự án.
Đa số doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách lương thưởng và phúc lợi chưa đủ hấp dẫn để giữ chân kỹ sư giỏi, đặc biệt là nhân lực cao cấp.

Nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần bảo đảm tiến độ thi công cho các dự án lớn.
Giải pháp nào tối ưu?
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, một chuyên gia tuyển dụng lao động cho biết, với những đơn vị phát triển hàng đầu trong ngành, yếu tố nhân sự luôn là sức mạnh.
Doanh nghiệp có thể tuyển dụng lao động chất lượng cao thông qua phương pháp truyền thống bằng những chính sách hấp dẫn,qua các công ty tuyển dụng "săn đầu người" hoặc lựa chọn qua các công ty đối thủ.
"Tuyển dụng dựa trên chiến lược phát triển dự án không đơn thuần là lấp chỗ trống. Chúng tôi không tuyển người cho hôm nay mà cho những dự án chiến lược 3 - 5 năm tới và dự báo năng lực nhân sự cần thiết theo từng dự án, từng giai đoạn triển khai.
Xây dựng ngân hàng ứng viên tiềm năng trước 6 - 12 tháng cũng là giải pháp cần đặc biệt chú ý, không thể đợi đến khi có nhu cầu gấp mới đi tìm", một chuyên gia nhân sự ngành Xây dựng tiết lộ.
Về doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc nhân sự Vinaconex cho biết, những năm qua, doanh nghiệp luôn chú trọng xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chủ động, linh hoạt, có trình độ chuyên môn, có khát khao cống hiến, trách nhiệm và gắn bó với doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực tuyển dụng đến từ nhiều "kênh": Tuyển mới những sinh viên tài năng được nhận học bổng tài trợ của Vinaconex trong quá trình học; Tuyển các cán bộ có bề dày kinh nghiệm về xây dựng và cầu đường từ các doanh nghiệp cùng lĩnh vực xây dựng; Mời các chuyên gia là giảng viên các trường đại học hoặc chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông về làm...
"Kinh nghiệm của Vinaconex không phải đơn vị nào cũng làm được bởi một yếu tố quan trọng là đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động đào tạo thường xuyên, đào tạo mũi nhọn các ngành nghề; Hình thành môi trường học tập liên tục, biến việc học tập thành một nhiệm vụ của mỗi người lao động trong suốt quá trình làm việc tại doanh nghiệp", ông Huy chia sẻ.
Ở góc độ nghiên cứu, bà Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị cho rằng, việc bổ sung các chính sách từ cơ quan quản lý là giải pháp cần được nghiên cứu để thu hút được nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt đối với dự án, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn kỹ thuật đặc biệt, khả năng cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế hoặc điều kiện làm việc khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.
Việc đầu tư bài bản vào con người, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo sẽ giúp Việt Nam không chỉ hoàn thành các dự án trọng điểm trong nước mà còn trở thành địa chỉ đào tạo và cung cấp nhân lực kỹ thuật xây dựng chất lượng cao cho khu vực ASEAN và thế giới.