Cách nào nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn?
Thiết lập mạng lưới thu gom, phương tiện thu gom đảm bảo; áp dụng triệt để nguyên tắc 'người gây ô nhiễm phải trả tiền' thông qua phương thức thu phí... là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn được TS. Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất.
Theo TS. Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, vấn đề chất thải rắn (CTR) đang là một trong những vấn đề môi trường bức xúc ở Việt Nam. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của Việt Nam không lớn nhưng lại không được phân loại từ nguồn trước khi xử lý.
"Uớc tính, mỗi ngày cả nước phát sinh trên 60 nghìn tấn, tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt tiêu hủy thông thường (Vụ Quản lý chất thải - Tổng cục Môi trường, 2022)", TS. Đáp cho biết.
Nhìn nhận thực tế hiện nay, TS. Đáp cho rằng, việc phân loại CTR tại nguồn mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và còn mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế. Đa số các địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại.
Do vậy, trong nhiều trường hợp chất thải được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện, dẫn đến việc phân loại tại nguồn chưa có hiệu quả. Ngoài ra, nhiều trường hợp chất thải được phân loại tại nguồn nhưng cơ sở xử lý chỉ áp dụng một phương pháp xử lý chung.
"Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm", TS. Đáp nói.
Mặt khác, tỷ lệ CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp là khoảng 71%. Trong khi 904 bãi chôn lấp hiện nay chỉ có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Cộng với việc áp dụng công nghệ nước ngoài xử lý CTRSH ở nước ta gặp một số khó khăn do CTR phần lớn chưa được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, điều kiện thời tiết nhiệt đới, lượng CTR tiếp nhận thấp hơn công suất thiết kế hoặc không ổn định, đầu tư khá cao dẫn đến chi phí xử lý cao.
Từ hiện trạng những khó khăn, bất cập trong quá trình phân loại rác tại nguồn, TS. Nguyễn Đình Đáp cho rằng, trước hết, cần thiết lập mạng lưới thu gom, phương tiện thu gom đảm bảo.
"Lâu nay có một số ý kiến cho rằng, người phân loại cứ phân thành 2 - 3 loại, cơ sở thu gom lại dồn thành một. Điều này có nhưng do khách quan đưa lại. Bởi nếu không dồn chung xe thì 3 loại rác phải có 3 loại xe chuyên chở khác nhau, gây áp lực cho giao thông. Nếu tích hợp loại xe 3 trong 1 cũng phải có thời gian chuẩn bị và kinh phí đầu tư. Quan trọng, đơn vị thu gom cũng chờ thông tư hướng dẫn chung và hướng dẫn của địa phương để triển khai. Khi chưa có hướng dẫn, sẽ rất khó cho việc “chuyển mình” từ phía đơn vị thu gom", TS. Đáp nói.
Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đưa ra các hướng dẫn, quy định chuẩn hóa phương tiện thu gom. Nếu phương tiện đạt chuẩn, người thu gom kiên quyết không thu gom của những người không phân loại. Sau đó, thiết lập quy trình thu gom và phân chia lịch thu gom rác hữu, vô cơ để áp dụng đồng bộ trên toàn địa bàn.
Đặc biệt, TS. Đáp nhấn mạnh tới biện pháp áp dụng triệt để nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” thông qua phương thức thu phí. Bởi phí thu gom CTRSH hiện do HĐND cấp tỉnh tự quyết định. Ví dụ, như HĐND TP Hà Nội quy định mức phí thu gom 6 nghìn đồng/người/tháng dù xả nhiều hay ít.
"Số tiền này chỉ đủ cho việc thu gom từ hộ gia đình đến điểm trung chuyển. Còn vận chuyển và xử lý rác sau đó hoàn toàn do Nhà nước chi trả. Như vậy, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền mà Luật Bảo vệ môi trường quy định chưa được áp dụng trong xử lý rác thải hiện nay", TS. Đáp nhận định.