Cách nào ngăn chặn sắc phong, cổ vật liên tiếp mất?
'Mất sắc phong cùng cổ vật là mất mát lớn, tác hại lớn, một vấn đề hệ trọng, nghiêm trọng cần có giải pháp ngăn chặn', PGS.TS Bùi Xuân Đính bức xúc viết lên trang Facebook cá nhân sau sự việc sắc phong tại Đền Quốc tế xã Dị Nậu bị mất và được rao bán trên mạng xã hội Trung Quốc.
Cổ vật “chảy máu”
Vừa qua, anh Trần Ngọc Đông, một thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt đăng tải thông tin về việc sắc phong Việt Nam bị rao bán tại Trung Quốc khiến dư luận xôn xao. Bài viết của tác giả Trần Ngọc Đông với nội dung: Đau xót khi Sắc phong của Đền Quốc tế xã Dị Nậu bị đánh cắp từ năm 2021, cùng nhiều sắc phong khác của của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc, với hình thức bán đấu giá, tổ chức ngày 22/4/2023, giá khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 Nhân dân tệ (khoảng 9,5 đến 11,9 triệu đồng).
Ông Đoàn Văn Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) sau đó có văn bản gửi UBND huyện Tam Nông thông tin về việc này.
Trong báo cáo nêu, năm 2021, khi phát hiện sắc phong bị mất, UBND xã Dị Nậu cũng đã báo cáo các cơ quan chức năng xác minh, điều tra giúp địa phương. Căn cứ thông tin trên, UBND xã Dị Nậu đã báo cáo, đề nghị UBND huyện Tam Nông và các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra giúp xã Dị Nậu sớm tìm ra, nhận lại được số sắc phong đã bị mất.
Không chỉ từ sự việc trên, cổ vật mới được nhiều người quan tâm. Trước đó, nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội cũng gần như mất trắng. Pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã bị mất cắp tới lần… thứ ba, sau khi được hoàn trả nguyên vẹn.
Chục năm nay, Bắc Giang cũng rơi vào tình trạng tương tự khi trên địa bàn xảy ra gần 50 vụ mất cắp di tích. Kẻ gian lấy đi hàng trăm di vật, cổ vật, như: Tượng thờ, sắc phong, câu đối cổ, chuông đồng, chấp kích, lư hương...
Thực tế, nhiều năm qua, nạn mất trộm cổ vật đã tồn tại và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nạn "chảy máu" cổ vật cũng là điều nhức nhối đối với những người làm văn hóa.
Điều đáng nói, tình trạng mất cắp cổ vật diễn ra trong thời gian dài và chưa có biện pháp mạnh tay ngăn chặn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều di tích đình, đền chùa… khi thiếu người trông coi, thiếu biện pháp bảo vệ, cửa giả lỏng lẻo, khóa sơ sài… Nhiều di tích, cơ sở thờ tự chỉ có một cụ thủ từ hoặc nhà sư trông nom, không thể xử lý kịp khi bị đột nhập…
Giải pháp nào bảo vệ an toàn cổ vật?
Bức xúc trước sự việc mất sắc phong tại tỉnh Phú Thọ, GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL chia sẻ, tình trạng mất cổ vật sắc phong, tượng… đã và đang diễn ra. Sự việc mất sắc phong lần này hết sức nghiêm trọng, thể hiện sự manh động và bất chấp của một số thành phần xấu trong xã hội.
“Chuyện mất cổ vật ở trong các đình, đền, chùa diễn ra khá nhiều nhưng chế tài xử phạt lại rất nhẹ so với các hình phạt khác. Đặc biệt, trong lĩnh vực Di sản văn hóa, Luật quy định như thế nhưng thực tế thì chưa đi vào cuộc sống.
Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý đã có giải pháp, lắp chuông báo động, camera… nhưng tình trạng thất thoát vẫn diễn ra. Thực tế cho thấy, chúng ta quá nương nhẹ trong các vụ án đã được phát hiện trong lĩnh vực Di sản văn hóa”, PGS.TS Trương Quốc Bình khẳng định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Xuân Đính - chuyên gia nghiên cứu về dân tộc Việt, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Mất sắc phong cùng cổ vật là mất mát lớn, tác hại lớn, một vấn đề hệ trọng, nghiêm trọng cần có giải pháp ngăn chặn. Việc mất cắp này do tội phạm hình sự - văn hóa ham tiền, bất chấp tâm linh, đạo lý, luật pháp, đánh cắp để tuồn ra nước ngoài, nằm trong âm mưu hủy hoại văn hóa Việt Nam".
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, anh Trần Ngọc Đông - người phát hiện sắc phong Việt Nam bị rao bán tại Trung Quốc cho hay, khoảng 20 năm gần đây vấn đề mất cổ vật, sắc phong trở nên phổ biến hơn. “Trước đây, do ý thức hệ, quan niệm đồ linh thiêng không nên động vào nên con người có ý thức bảo vệ cổ vật. Không ai dám động vào cổ vật trong đó có sắc phong vì nghĩ phải chuộc lại gấp 10 lần.
Khi lượng đồ cổ trong đời sống dần ít đi, con người bắt đầu thu mua cổ vật trong đó có sắc phong nhiều hơn. Tình trạng mất cắp cổ vật vì thế trở nên phổ biến hơn”, anh Đông nói.
Theo anh Đông, trộm cắp cổ vật thường diễn ra tại các di tích không có người trông coi thường trực. Việc bị đánh cắp cổ vật nói chung, sắc phong nói riêng là đánh mất những di sản có giá trị lớn đối với cộng đồng, với việc bảo tồn văn hóa.
Anh Đông cho rằng: Việc bảo quản các sắc phong hiện khá thô sơ, sơ sài… Đa số các địa phương đều giao việc giữ gìn, bảo vệ cổ vật cho BQL là những cụ cao niên của làng trông nom. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng mất cổ vật cần thay đổi phương pháp quản lý di tích. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người trông coi, bảo vệ cổ vật, quá trình tiến hành kiểm soát, kiểm kê cổ vật cũng cần được quan tâm, chú trọng.