Cách nào ngăn trẻ cắn móng tay?
Khoảng 50% trẻ em từ 10 đến 18 tuổi thỉnh thoảng cắn móng tay và đối với nhiều trẻ, thói quen này thậm chí bắt đầu từ khi còn rất nhỏ.
Đó là một trong những “thói quen gây lo lắng” phổ biến nhất đối với các bậc cha mẹ. Về mặt hình thức, cắn móng tay được mô tả là một hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể.
Trong khi một số trẻ cắn móng tay vì bồn chồn thì một số khác lại không biết phải làm gì khi cảm thấy lo lắng. Do đó, cắn móng tay có thể giúp trẻ tự xoa dịu bản thân.
Ngoài việc gây khó chịu khi bị người khác trông thấy, việc cắn móng tay còn có thể gây ra một số tổn hại cho răng và móng của con. Vì vậy, nếu tình trạng gặm móng tay của con ngày càng trầm trọng, bạn cần phải can thiệp.
Cắt móng tay hàng ngày cho con
Cắt móng tay thường xuyên làm giảm diện tích bề mặt dưới móng tay - đồng nghĩa với việc ít bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ dưới móng tay và xâm nhập vào miệng của con. Hãy chăm sóc tốt cho lớp biểu bì; vi khuẩn thường xâm nhập vào vùng da xung quanh móng và gây nhiễm trùng.
Tìm vật thay thế
Hãy tìm thứ gì đó tốt cho sức khỏe mà con có thể cho vào miệng. Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể cho chúng ăn vặt bằng cà rốt. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn không thay thế việc cắn móng tay bằng đồ ăn nhẹ có đường, nếu không bạn sẽ đánh đổi thói quen xấu này bằng thói quen xấu khác.
Giúp con tập trung vào một thứ khác
Tìm thứ gì đó giúp ngón tay của con luôn hoạt động. Chúng có thể muốn vuốt ve nhẹ nhàng một hòn đá cất trong túi để giảm lo lắng, bóp một quả bóng mềm giúp giảm căng thẳng hoặc bồn chồn.
Cách này giúp trẻ tập trung vào kết cấu và cảm giác của những thứ chúng cầm trên tay, thay vì nghĩ đến việc cắn móng tay.
Chọn một tín hiệu tinh tế giữa bạn và con
Bất cứ khi nào thấy con gặm móng tay, hãy chạm nhẹ vào cánh tay của con hoặc sử dụng một mật mã để cảnh báo con mà không cần để người khác thấy. Điều này sẽ giúp con nhận thức rõ hơn về hành vi của mình.
Sơn móng tay
Con bạn có thể rất hào hứng khi được sơn móng tay. Thời gian cùng nhau làm đẹp không chỉ gắn kết cha mẹ và con cái mà những lời khen ngợi con nhận được nhờ bộ móng đẹp còn có thể ngăn cản thói quen “gặm nhấm” của con.
Cho phép những hậu quả tự nhiên
Hãy nhớ rằng những hậu quả tự nhiên có thể là người thầy tốt đối với trẻ. Vì vậy, nếu con thỉnh thoảng khiến ngón tay bị đau do cắn móng quá ngắn, cơn đau có thể khiến trẻ ngừng tật xấu này trong tương lai.
Tránh làm cho thói quen trở nên tồi tệ hơn
Việc chú ý quá nhiều đến những thói quen xấu của con đôi khi sẽ phản tác dụng và hành vi cắn móng tay của chúng có thể còn tồi tệ hơn.
Trừng phạt con hoặc khiến chúng xấu hổ vì cắn móng tay cũng sẽ không hiệu quả trong việc giúp chúng thay đổi thói quen.
Hãy giúp con kiểm soát hành vi cắn móng tay nhưng đừng quá bận tâm đến việc khiến chúng dừng lại. La hét, dọa nạt cũng không giúp ích gì.
Việc giúp con chấm dứt thói quen cắn móng tay sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu chúng thực hiện đúng kế hoạch. Nếu chúng không có động lực đặc biệt để bỏ thói quen này thì nỗ lực của bạn khó thành công.
Vì vậy, hãy kiên nhẫn với con và nếu con không muốn dừng lại, bạn có thể phải đợi cho đến thời điểm phù hợp.
Thi thoảng, bạn có thể đề cập đến chủ đề này bằng cách nói những câu như “Mẹ thấy con cắn móng tay rất nhiều. Những bạn cùng lớp có bao giờ để ý chuyện này không?”. Đề cập rằng những người khác có thể thấy con làm điều này sẽ khiến con nhận thức rõ hơn một chút về hành vi bất thường của mình.
Tương tự, bạn có thể hỏi con: “Ngón tay của con sẽ bị đau khi con cắn móng tay quá nhiều. Con có bao giờ ước mình từ bỏ được thói quen này không?”
Kiên nhẫn
Tình trạng cắn móng tay đôi khi có thể thuyên giảm nhưng sau đó lại trở nên tồi tệ hơn. Nhưng đó thường là một phần của quá trình loại bỏ thói quen xấu. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng cắn móng tay của con có thể sẽ giảm bớt.
Thói quen xấu thường rất khó bỏ. Nếu con cảm thấy khó chịu vì cắn móng tay, hãy nhắc nhở con rằng bố/mẹ cũng từng như vậy. Và trước khi bạn cảm thấy nản lòng, hãy nhắc nhở bản thân rằng đây có lẽ chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời của con.
Theo verywellfamily.com
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-nao-ngan-tre-can-mong-tay-post677297.html