Cách nào tận dụng làn sóng dịch chuyển sản xuất?
Trong làn sóng dịch chuyển sản xuất, nếu có các chính sách phù hợp, Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao và trở thành 'cứ điểm' của các 'đại bàng công nghệ'.
Tận dụng cơ hội lớn từ bối cảnh quốc tế
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội “lớn khác thường” trong thu hút FDI do bối cảnh quốc tế hiện nay tạo ra những lực đẩy thuận chiều, có lợi.
Đó trước hết là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Theo báo cáo “Dòng vốn FDI: bền bỉ đối mặt với thách thức” do bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC vừa công bố, tỷ trọng FDI của khu vực ASEAN đã tăng vọt sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tăng tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gần đây. ASEAN đã thu hút gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022 - là mức cao kỷ lục và gần gấp đôi so với 4 năm trước. Trong 3 năm qua, Mỹ, với thị phần 17%, đã thay thế khu vực nội khối ASEAN (14%) để trở thành quốc gia đầu tư FDI lớn nhất trong khu vực. Đáng chú ý, phần lớn FDI của Hoa Kỳ đã chảy vào ngành sản xuất tiên tiến, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn cao cấp ở Singapore và Malaysia.
Báo cáo này nhận xét, "căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến các nhà đầu tư đẩy nhanh việc di dời chuỗi cung ứng; trong đó ASEAN nhờ vào địa lý lân cận và các tiêu chuẩn cơ bản được cải thiện, đã nổi lên như một điểm đến thay thế" và Việt Nam là “một trong những quốc gia được hưởng lợi chính”.
Cũng từ khi xảy ra căng thẳng thương mại với Trung Quốc, lại thêm dịch Covid-19 xuất hiện, Hoa Kỳ và các nước đồng minh quyết liệt thúc đẩy việc đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước đối tác tin cậy, còn gọi là chiến lược "friend - shoring". Việt Nam và Hoa Kỳ lại vừa nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dấu mốc lịch sử này là điều kiện để Việt Nam có thể tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển sản xuất của chiến lược “friend - shoring”.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã bắt đầu có những hành động cụ thể. Đến nay, Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở nước ta. Các dự báo cho thấy, vào năm 2025, có đến 25% sản phẩm của Apple được sản xuất ngoài Trung Quốc. Con số này sẽ tăng dần theo thời gian và cùng với Ấn Độ, Việt Nam sẽ là điểm đến được Apple lựa chọn. Bên cạnh đó, hàng loạt chuyến viếng thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh gần đây cho thấy các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang thực sự quan tâm đến việc đầu tư ở nước ta.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thuận chiều đó, những chính sách hỗ trợ ưu đãi kịp thời, hợp lý cho đầu tư công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt nhất làn sóng dịch chuyển sản xuất. Sự có mặt của các “đại bàng công nghệ” sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh, từ đó hình thành và mở rộng hệ sinh thái công nghệ, tạo hiệu ứng lan tỏa - điều này đã được chứng thực từ các “trường hợp điển hình” như Samsung, LG, Canon, Apple…
Khi hệ sinh thái công nghệ cao mở rộng, “đất” cho các dự án FDI chất lượng thấp, quy mô nhỏ sẽ thu hẹp lại! Điều này rất quan trọng bởi Việt Nam tuy là điểm sáng thu hút FDI nhưng chất lượng có xu hướng suy giảm và phần lớn doanh nghiệp FDI cũng có quy mô nhỏ và vừa. Khảo sát Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tại 1.282 doanh nghiệp FDI trong năm 2022 cho thấy, gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng; 1/4 doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% doanh nghiệp FDI đạt dưới 3 tỷ đồng và 77,8% đạt dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.
“Làm mới” động cơ tăng trưởng
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023, các chuyên gia khẳng định, FDI đã, đang và tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nước ta trong thời gian tới. Hơn thế, trong thời cơ mới, nguồn lực này thậm chí chứa đựng tiềm năng tạo bước nhảy vọt phát triển. Vấn đề đặt ra là Việt Nam thu hút và sử dụng FDI thế nào để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; củng cố và làm mới động lực này để đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng.
Trên thực tế, Nghị quyết 50-NQ/TW năm 2019 của Trung ương về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Quyết định 667/QĐ-Ttg năm 2022 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 nhấn mạnh việc ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao. Trên cơ sở đó, yêu cầu chính sách ưu đãi phải phân biệt giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau; đồng thời phải xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư và thành lập trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D).
Trong tham luận gửi đến Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển”.
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải duy trì được môi trường pháp lý ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch. Đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia, tuyển dụng số lượng lao động lớn, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh.
Chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao có thể đặt ra những vấn đề về ngân sách trong trước mắt. Vậy nhưng, nếu không có giải pháp này thì sẽ khó tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển sản xuất. Trường hợp dòng vốn FDI sụt giảm sẽ kéo theo nhiều hệ quả khó lường khi đây vẫn là “động cơ chủ lực” cho tăng trưởng của nước ta trong thời gian tới.