Cách nào tăng cường cho 'hệ sinh thái' đổi mới sáng tạo?
Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới của các bên tham gia như doanh nghiệp, trường học, các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng trong bối cảnh biến đổi xã hội ở một số quốc gia và Việt Nam.
Đó là nội dung tham luận của PGS. TS Đặng Thị Ánh Tuyết (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tại tọa đàm quốc tế về chủ đề “Biến đổi xã hội và những vấn đề quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới tại Việt Nam”, do Viện Chính sách và Quản lý, trường ĐH KHXH$&NV (ĐHQG Hà Nội) tổ chức.
PGS. TS Đặng Thị Ánh Tuyết cho rằng, cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học, trường đại học. Tăng đầu vào đổi mới, tăng chi tiêu và nguồn nhân lực nghiên cứu, tăng cường hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo.
Có cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và có khuôn khổ pháp lý để thử nghiệm một mô hình kinh tế dựa trên khoa học công nghệ. “Đặc biệt, cần xây dựng được chính sách rõ ràng và dài hạn về hệ thống giáo dục, đặc biệt vấn đề giáo dục đại học, nhằm giảm bớt những thiếu hụt trong kỹ năng của các tổ chức, trường đại học nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ những người làm nghiên cứu”, PGS. TS Đặng Thị Ánh Tuyết nói.
PGS. TS Trần Ngọc Ca (ĐHQG Hà Nội) nêu những khuyến nghị về vấn đề tương tác xã hội và công nghệ. Ông cho rằng, cần đẩy mạnh nhiều hơn nữa những nghiên cứu về tương tác hai chiều giữa biến đổi xã hội và phát triển công nghệ. Tạo nền tảng cho xây dựng các thể chế, chính sách, định hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn tới. Trong đó, các cơ sở đào tạo cần điều chỉnh, cung cấp và trang bị cho lực lượng lao động trẻ những công cụ cần thiết để ứng xử với những thay đổi nhanh chóng trong tương lai.
Tọa đàm quốc tế về “Biến đổi xã hội và những vấn đề quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới tại Việt Nam” được tổ chức ngày 3/11, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập của Viện Chính sách và Quản lý, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội).
Dịp này, PGS. TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội kỳ vọng, Viện Chính sách và Quản lý sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, tư vấn về chính sách và quản lý, đóng góp trong các hoạt động hợp tác của ĐHQG Hà Nội với địa phương, với các đối tác trong và ngoài nước.