Cách người chồng giúp vợ chiến đấu với ung thư
Vợ tôi cảm thấy mất kết nối với cơ thể mình, với mọi người và mọi thứ xung quanh theo những cách không thể diễn tả được. Nhiều bệnh nhân đã qua hóa trị mô tả triệu chứng này là 'rối loạn chức năng não'.
Đã 10 giờ rồi, tôi bước ra khỏi văn phòng. Chỉ cần ra ngoài là thấy ngay cửa sổ phòng ngủ của vợ chồng tôi. Tôi ngước lên nhìn, Marilyn đã thức dậy và kéo rèm cửa ra. Vợ tôi còn rất yếu sau đợt hóa trị trước đó ba ngày nên tôi vội quay về nhà làm bữa sáng. Nhưng vợ tôi đã uống nước táo và chẳng muốn ăn thêm gì. Bà đang nằm trên chiếc sô pha trong phòng khách và ngắm nhìn những cây sồi trong vườn nhà.
Như mọi khi, tôi hỏi vợ cảm thấy thế nào.
Và cũng như mọi khi, vợ tôi thành thật trả lời, “Tôi thấy tệ lắm. Tôi không giải thích được, cứ như tôi đang bị tách rời khỏi mọi thứ vậy... cả người đều cảm thấy rất ghê. Nếu không phải vì ông thì tôi cũng chẳng muốn sống nữa làm gì... Tôi không muốn sống nữa đâu... Xin lỗi ông vì tôi cứ nói đi nói lại mãi. Tôi biết là tôi nói vậy nhiều lần quá mà.”

Bệnh nhân hóa trị ung thư thường dễ lâm vào trạng thái mất kết nối cơ thể. Ảnh: Daily Mail.
Mấy tuần qua ngày nào tôi cũng nghe Marilyn nói chuyện kiểu này. Tôi thấy chán nản và bất lực quá. Không có gì làm tôi khổ bằng việc vợ tôi phải chịu đau đớn: bà phải hóa trị hàng tuần gây buồn nôn, đau đầu và mệt lả. Vợ tôi cảm thấy mất kết nối với cơ thể mình, với mọi người và mọi thứ xung quanh theo những cách không thể diễn tả được.
Nhiều bệnh nhân đã qua hóa trị mô tả triệu chứng này là “rối loạn chức năng não”. Tôi khuyến khích vợ mình đi bộ dù chỉ khoảng 30 mét ra chỗ hộp thư nhưng lúc nào bà cũng không chịu. Tôi nắm tay vợ và làm đủ mọi cách mình biết để trấn an bà.
Hôm nay, bà lại tỏ vẻ không muốn sống tiếp nên tôi chọn cách khác để nói. “Marilyn này, trước đây vợ chồng mình đã từng bàn với nhau là theo luật của bang California, bác sĩ có quyền cấp quyền trợ tử cho các bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu họ bị đau đớn quá mức. Bà có nhớ bà bạn Alexandra cũng làm như vậy không? Mấy tháng vừa rồi bà cứ càm ràm là bà chỉ sống vì tôi và luôn lo lắng tôi sẽ sống thế nào nếu thiếu bà. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Đêm qua tôi cũng gần như thức trắng.
Tôi muốn bà nghe những lời này. Bà nghe tôi nói nhé: Nếu lỡ bà có ra đi trước thì tôi cũng sẽ ổn thôi. Tôi có thể sống tiếp - nhưng chắc cũng không lâu, xét từ chuyện tôi phải lắp cái hộp kim loại nhỏ xíu này vào ngực. Tôi không thể phủ nhận là ngày nào tôi cũng sẽ nhớ bà... nhưng tôi vẫn có thể sống tiếp. Tôi không còn sợ chết nữa... khác với trước đây.
Bà có nhớ cái lần tôi mổ đầu gối sau trận đột quỵ làm tôi mất thăng bằng vĩnh viễn, và giờ luôn phải dính đến cây gậy khi di chuyển không? Tôi đã khốn khổ và buồn thảm như thế nào chứ? Đến mức tôi phải tìm người trị liệu cho tôi mà. Nhưng bà biết đó, chuyện cũng qua lâu rồi. Giờ tôi bình tĩnh hơn - tôi không còn bị giày vò - mà tôi còn ngủ khá ngon nữa kìa.
Điều tôi muốn bà biết là tôi vẫn có thể sống tiếp nếu bà có ra đi trước. Nhưng tôi không thể chịu được ý nghĩ là bà phải sống và chịu đau đớn như vậy chỉ vì tôi.”
Marilyn nhìn sâu vào mắt tôi. Lần này những lời tôi nói đã làm bà xao động. Hai chúng tôi ngồi nắm tay nhau một lúc rất lâu. Trong đầu tôi chợt hiện lên câu châm ngôn của Nietzsche: Ý nghĩ về việc tự sát là niềm an ủi lớn lao: nó giúp người ta vượt qua bao đêm trường tăm tối. Nhưng tôi giữ điều đó cho riêng mình.
Marilyn nhắm mắt một lúc rồi gật đầu: “Cảm ơn ông đã nói ra. Trước đây ông chưa từng nói như vậy. Tôi thấy nhẹ cả người... Tôi biết chứ, mấy tháng qua là một cơn ác mộng đối với ông. Ông phải tự mình làm mọi thứ - mua sắm, nấu nướng, đưa tôi đến nhà bác sĩ rồi lại đến bệnh viện, còn chờ tôi hàng tiếng đồng hồ, mặc quần áo cho tôi, gọi cho bạn bè tôi. Tôi biết tôi đã làm ông kiệt sức. Nhưng mà giờ nhìn ông có vẻ ổn rồi. Ông có vẻ đã cân bằng lại, trông thật vững vàng. Nhiều lần ông đã nói với tôi là nếu được thì ông đã gánh bệnh thay tôi. Và tôi biết ông sẽ làm như vậy. Lúc nào ông cũng chăm sóc cho tôi, yêu thương tôi, nhưng gần đây ông hơi khác trước.”
“Khác thế nào?”
“Khó diễn tả lắm. Có khi thấy ông có vẻ bình yên, gần như trầm lắng ấy. Tại sao lại vậy? Ông làm cách nào?”
“Câu hỏi khó đấy. Bản thân tôi cũng không biết. Nhưng tôi có một linh cảm và nó không liên quan đến tình yêu tôi dành cho bà. Bà biết là tôi đã có tình cảm với bà từ khi chúng ta còn là thiếu niên mà. Chuyện này thì khác.”
“Ông nói tôi nghe đi.” Marilyn ngồi dậy và chăm chú nhìn tôi.
“Tôi nghĩ là vì cái này.” Tôi vỗ nhẹ lên chỗ có cái hộp kim loại trong lồng ngực.
“Ý là trái tim của ông à? Nhưng còn vụ trầm lắng thì sao?”
“Ngày nào tôi cũng sờ nắn xoa bóp cái hộp này, nó nhắc rằng tôi có thể chết đột ngột và rất nhanh vì bệnh tim. Tôi sẽ không ra đi theo kiểu ông John hay mấy người mình gặp ở phòng bệnh nhân mất trí nhớ đâu.”
Vợ tôi gật đầu; bà hiểu. John là ông bạn thân bị mất trí nhớ nặng và mới qua đời ở viện dưỡng lão gần đó. Lần cuối tôi đến thăm ông thì ông đã chẳng nhận ra ai: ông cứ ngồi đó la hét hàng giờ liền. Tôi không thể xóa hình ảnh này ra khỏi đầu: đối với tôi, chết mà như thế thì thật là ác mộng.
“Giờ đây, nhờ vào cái hộp trong ngực tôi này,” tôi vừa nói vừa sờ sờ cái hộp kim loại, “Tôi tin là mình sẽ chết một cách nhanh chóng - như ba tôi vậy.”
Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-nguoi-chong-giup-vo-chien-dau-voi-ung-thu-post1546216.html