Cách người giàu Mỹ lách thuế, bảo vệ tài sản cho con cái

Để trả khoản thuế khổng lồ, những người thừa kế có thể phải thanh lý bất động sản hoặc doanh nghiệp. Nhưng giới siêu giàu đã tìm ra giải pháp để né tránh khoản phí này.

Mức thuế tài sản cao đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho những người Mỹ giàu tài sản nhưng "nghèo tiền mặt". Để trả khoản thuế khổng lồ, những người thừa kế có thể phải thanh lý bất động sản hoặc doanh nghiệp tư nhân của họ.

Nhưng có một giải pháp thay thế cho việc bán tháo tài sản: Giới nhà giàu có thể sử dụng bảo hiểm nhân thọ để thanh toán hóa đơn thông qua một mánh khóe khéo léo.

Theo đó, thay vì sở hữu trực tiếp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, người giàu sẽ mua hợp đồng và đưa nó vào một quỹ tín thác. Quỹ tín thác bảo hiểm nhân thọ không thể hủy ngang (ILIT) sau đó thu tiền trợ cấp tử vong, thanh toán hóa đơn thuế và phân phối bất kỳ khoản nào còn lại theo mong muốn của cá nhân được bảo hiểm.

Theo cách này, bất kỳ khoản thanh toán nào cũng được bảo vệ khỏi thuế tài sản, ngay cả khi tài sản và quyền lợi tử vong của người được bảo hiểm vượt quá mức miễn trừ. (Hiện tại, mức thuế tài sản liên bang 40% áp dụng cho các tài sản vượt quá 13,61 triệu USD).

Đối với một người siêu giàu có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 10 triệu USD, việc sử dụng ILIT có thể giúp họ tiết kiệm được 4 triệu USD tiền thuế.

 Thông qua quỹ tín thác bảo hiểm nhân thọ, những người siêu giàu có thể né các loại thuế tài sản đối với người thừa kế. Ảnh: Pexels.

Thông qua quỹ tín thác bảo hiểm nhân thọ, những người siêu giàu có thể né các loại thuế tài sản đối với người thừa kế. Ảnh: Pexels.

"Đây là giải pháp dễ thực hiện. Nó không tước đi quyền tiếp cận bất kỳ thứ gì của bất kỳ ai", Robert Strauss, đối tác tại công ty luật Weinstock Manion, cho biết.

Người được bảo hiểm có thể chọn bất kỳ ai làm người thụ hưởng như đối tác kinh doanh hoặc bạn bè. Mặc dù hiện nay ít phổ biến hơn, ILIT đã được sử dụng để cung cấp cho các đối tác chưa kết hôn hoặc những mối quan hệ ngoài hôn nhân.

Cũng như các loại quỹ tín thác khác, người được bảo hiểm có thể chọn một người ủy thác quản lý cách phân phối tiền cho người thụ hưởng. Ví dụ, một đứa cháu trong gia đình có thể nhận được khoản phân phối để trả học phí đại học chứ không phải là một chiếc xe thể thao.

Dan Griffith, giám đốc chiến lược tài sản tại Huntington Bank, cho biết thêm nếu người được bảo hiểm muốn đảm bảo rằng người thừa kế của họ được bảo vệ khỏi các chủ nợ hoặc vợ/chồng ly hôn, họ có thể sử dụng ILIT để an toàn gấp đôi. Mặc dù luật pháp khác nhau tùy theo tiểu bang tại Mỹ, cả bảo hiểm tín thác và bảo hiểm nhân thọ đều có sự bảo vệ pháp lý mạnh mẽ.

Griffith cho biết: "Ngay cả khi vì lý do nào đó, chủ nợ có thể tiếp cận được tài sản của quỹ tín thác thì hợp đồng bảo hiểm vẫn có thể được luật tiểu bang bảo vệ".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-nguoi-giau-my-lach-thue-bao-ve-tai-san-cho-con-cai-post1499838.html