Cách người Nhật phân loại rác

Với phẩm chất cẩn thận và chu đáo, người Nhật có những quy định phân loại rác rất kỳ công. Họ không chỉ phân loại rác hữu cơ và vô cơ nữa mà đã lên đến một mức độ cao cấp và tinh tế hơn rất nhiều.

Người Nhật phân loại rác rất cẩn thận với các yêu cầu cao.

Người Nhật phân loại rác rất cẩn thận với các yêu cầu cao.

Họ có thể phân chia rác thải sinh hoạt thành 8 loại khác nhau, mỗi loại được đựng trong một thùng riêng biệt.

Ở một số khu vực, người dân có thể đổ chung một số loại với nhau. Nhưng nhìn chung, một số loại rác được phân tách rõ ràng ở Nhật gồm có: hộp kim loại, chai lọ thủy tinh, giấy, chai nhựa PET, nhựa, rác có thể cháy được, rác không cháy được, rác ngoại cỡ.

Hộp kim loại

Danh mục này gồm các loại hộp kim loại như lon nước ngọt, lon bia, vỏ đồ hộp… Nhưng trước khi vứt đi, hãy đảm bảo rằng chúng đã được rửa sạch.

Chai thủy tinh

Cũng giống như hộp kim loại, chai thủy tinh cũng phải được rửa sạch. Nếu có thể thì người Nhật sẽ cố gắng bóc cả nhãn dán ra dù chúng thường bị dính rất chặt và không thể bóc một cách sạch sẽ.

Một lưu ý đặc biệt là bạn phải phân loại riêng phần nắp chai dựa trên chất liệu riêng của chúng. Nếu chúng làm bằng nhựa thì bạn không thể vứt chung cùng với chai thủy tinh.

Giấy đã qua sử dụng

Danh mục này gồm giấy đã qua sử dụng nhưng phải tương đối sạch sẽ. Nếu là giấy bọc thịt, đồ ăn tươi sống hoặc giấy đã bị ố nặng thì sẽ được phân loại vào danh mục rác có thể đốt được.

Danh mục này dành cho giấy báo, giấy loại, bìa các-tông. Tất cả cần được sắp xếp, gấp phẳng và buộc lại bằng dây.

Một số khu vực chấp nhận các loại hộp các-tông vẫn còn băng dính, nhưng cũng có những khu vực yêu cầu gỡ bỏ tất cả phần băng dính.

Riêng giấy gói sôcôla thì không được vứt vào danh mục này, mà phải vứt chung với rác thải nhựa.

Chai nhựa PET

Chai nhựa PET là chai nhựa làm bằng chất liệu polyethylene terephthalate. Phần lớn đồ uống đóng chai nhựa ở các cửa hàng tạp hóa đều làm bằng loại nhựa này, nhưng nếu bạn không chắc chắn, hãy tìm biểu tượng PET ở đáy chai hoặc trên nhãn dán.

Một số chai như dầu ăn có thể trông giống như nhựa PET nhưng thực ra lại không phải.

Khi vứt bỏ chai nhựa PET ở Nhật Bản, bạn cũng phải rửa sạch, phân loại nắp chai riêng (vì chúng không phải nhựa PET), đồng thời loại bỏ nhãn dán.

Nhựa

Danh mục này bao gồm các loại khay nhựa đựng thức ăn mang đi, hộp đựng đậu phụ, túi đựng đồ ăn vặt, nắp chai. Những loại chai nhựa không phải chất liệu PET cũng được phân loại vào đây.

Rác có thể đốt cháy được

Danh mục này dành cho bất cứ loại nhựa nào không có nhãn PET hoặc nhãn nhựa thông thường, chất thải thực phẩm, sản phẩm từ cao su và các loại giấy không phù hợp với danh mục giấy đã sử dụng bên trên.

Nhiều khu vực ở Nhật Bản cũng chấp nhận cả quần áo cũ trong danh mục này. Nhưng nếu quần áo của bạn vẫn còn mặc được thì họ sẽ yêu cầu bạn để chúng vào một túi khác và liên hệ văn phòng khu vực để họ tới nhận đồ.

Nếu quần áo không thể tái sử dụng, bạn phải đảm bảo những gì vứt vào đó phải cháy được hoàn toàn, nghĩa là không bao gồm khóa kéo hay chốt bằng kim loại.

Rác không cháy

Danh mục này gồm tất cả những thứ không phù hợp với các danh mục khác như nắp chai kim loại, màng bọc nhôm, pin và các thiết bị gia dụng có kích thước không quá 30cm mỗi cạnh.

Rác ngoại cỡ

Đây là loại rác thường có kích thước lớn hơn 30cm mỗi cạnh như vali, lò vi sóng, đệm… mà không thể vứt chung với các loại rác khác.

Để được vứt loại rác này, bạn phải trả một khoản phí dưới hình thức mua miếng dán thùng rác từ siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi ở khu vực bạn sống.

Bạn cũng thường phải đặt trước để được vứt rác thải ngoại cỡ - thường là 1 tháng hoặc lâu hơn. Phần lớn người dân Tokyo có thể đặt trước qua mạng, kèm theo chi tiết về loại rác bạn sẽ vứt bỏ và số lượng vé mỗi loại. Sau khi đã đặt trước, hãy nhớ viết tên đã đăng ký trên vé và dán chúng vào các túi rác. Vào ngày thu gom, hãy đảm bảo rác được đưa tới đúng vị trí trước 8h sáng.

Các quy tắc phân loại rác ở Nhật Bản

Việc vứt rác vào buổi tối không được khuyến khích vì nó có thể làm tăng nguy cơ động vật chui vào và gây lộn xộn. Người Nhật thường đổ rác vào buổi sáng sớm.

Một số căn hộ ở Nhật Bản có thể có một phòng đổ rác riêng - nơi mà tất cả thùng rác được phân loại và nhân viên phụ trách sẽ đi thu gom vào một ngày cụ thể. Nếu nhà của bạn thuộc khu vực này, bạn có thể đi vứt rác bất cứ lúc nào.

Một số khu vực phải mua loại túi riêng cho một số loại rác nhất định. Hãy chú ý đến điều đó nếu bạn là người mới chuyển tới Nhật Bản.

Theo Tokyo Life

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-nguoi-nhat-phan-loai-rac-2040875.html