Cách nhận diện các dấu hiệu mắc bệnh than
Hiện bệnh than vẫn là bệnh lưu hành trên đàn gia súc và trên người ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Gần đây tôi có đọc các thông Việt Nam lại xuất hiện bệnh than. Vậy bệnh than nguy hiểm đến đâu, dấu hiệu nhận biết căn bệnh này và cách phòng tránh thế nào? (Nguyễn Thị An, TP.HCM)
Trả lời
Theo Bộ Y tế, bệnh than thuộc nhóm B trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường làm tổn thương da, hiếm gây tổn thương mồm - họng, đường hô hấp dưới, trung thất hoặc bộ máy tiêu hóa.
Ở thể da, chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó dẫn đến tổn thương, nổi sần, mụn nước và từ 2 đến 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen. Quanh chỗ loét thường có phù mức độ từ nhẹ đến nặng và lan rất rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ thứ phát.
Nốt loét thường không đau, nếu có đau là do phù hoặc bội nhiễm. Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất. Nốt loét có thể bị nhầm lẫn với viêm da. Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huy.
Bệnh than lây truyền qua da là do tiếp xúc với các mô của động vật (gia súc, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than; nhiễm qua lông, da, xương hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu trên như trống, bàn chải… Bệnh than cũng lây truyền qua đất bị nhiễm khuẩn từ các động vật mắc bệnh chết và tổn thương não.
Để phòng tránh bệnh than, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không giết mổ, không sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc.
Bệnh than hiện vẫn là bệnh lưu hành trên đàn gia súc và trên người ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam bao gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-nhan-dien-cac-dau-hieu-mac-benh-than-post736434.html