Phòng, chống bệnh không lây nhiễm
Nhóm bệnh không lây nhiễm đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh cao, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Tuy nhiên, nhiều người dân còn chủ quan với căn bệnh này trong khi tỷ lệ tử vong liên quan đến tăng huyết áp và đái tháo đường theo thống kê chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong trên cả nước.
Để giúp quý độc giả có thêm kiến thức phòng tránh và điều trị hiệu quả các bệnh này, trong chương trình giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, chúng tôi đã mời tới trường quay của Báo Thái Nguyên điện tử hai khách mời đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Nguyên.
1. Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên.
2. Thạc sĩ - Bác sĩ Phạm Thị Lệ Thu, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên
Xin được cảm ơn các vị khách mời đã tham gia giao lưu trực tuyến.
MC Lan Anh: Câu hỏi trước tiên, xin được dành cho Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết những tác động tiêu cực có thể gặp phải của tình trạng gia tăng bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm (BKLN) đối với công tác y tế nói riêng và việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh?
Ths.Bs Lê Ái Kim Anh: Sự gia tăng của các BKLN đồng nghĩa với sự gia tăng bệnh nhân tại các cơ sở y tế nói chung, đặc biệt là các cơ sở điều trị nội trú. Theo thống kê, hiện nay 65-75% bệnh nhân nội trú là do mắc các bệnh không lây nhiễm. Thêm vào đó, rất nhiều BKLN phải điều trị suốt đời gây tăng chi phí y tế, quá tải bệnh viện.
Rất nhiều bệnh trong quá trình chẩn đoán đòi hỏi sử dụng các kỹ thuật cao, trong quá trình điều trị phải sử dụng rất nhiều loại thuốc, trong đó có nhiều loại thuốc chi phí rất đắt đỏ. Với đặc thù điều trị kéo dài thậm chí là điều trị suốt đời, đặc biệt đối với bệnh nhân còn trong độ tuổi lao động, việc mắc BKLN sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lao động, quá trình điều trị, hình thành bẫy đói nghèo đối với người bệnh từ đó gây áp lực kinh tế cho người bệnh nói riêng và cho xã hội nói chung.
MC Lan Anh: Xin cảm ơn Ths. Bs Lê Ái Kim Anh! Thưa Ths.Bs Phạm Thị Lệ Thu, xin bác sĩ có thể cho biết chi tiết về bệnh lý cũng như căn nguyên dẫn tới bệnh của các bệnh không lây nhiễm đang gây áp lực mạnh tới công tác y tế trên địa bàn này?
Ths.Bs Phạm Thị Lệ Thu: Các BKLN thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà có một nhóm yếu tố góp phần làm bệnh phát triển gọi là yếu tố nguy cơ:
Yếu tố nguy cơ về hành vi: hút thuốc, sử dụng rượu, bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực. Các yếu tố sinh lý/chuyển hóa: tăng HA, thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn mỡ máu. Các yếu tố môi trường như nghèo đói, thiếu kiến thức, già hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa... là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ liên quan đến sự gia tăng các yếu tố nguy cơ
Ngoài ra, còn các yếu tố nhiễm trùng (Viêm gan B, HPV); yếu tố không thể thay đổi được (sinh học: tuổi, giới, gen, chủng tộc…
MC Lan Anh: Thưa Ths.Bs Phạm Thị Lệ Thu, những nguy cơ biến chứng có thể gặp phải với người mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường là gì, thưa bác sĩ?
Ths.Bs Phạm Thị Lệ Thu: Dấu hiệu của bệnh từng giai đoạn sẽ khác nhau theo từng mức độ. Các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp có thể xảy ra bao gồm:
Thiếu máu cơ tim
Tăng huyết áp có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn động mạch vành, làm cho quá trình lưu thông máu đến tim bị cản trở. Tình trạng này cũng gây ra cảm giác tê cứng, đau nhức ở cánh tay.
Đột quỵ
Khi nhắc đến những biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp, không thể không nhắc đến đột quỵ. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đột quỵ đột ngột, tăng nguy cơ tử vong.
Suy tim
Không chỉ có tai biến mạch máu não mà suy tim cũng là một biến chứng của bệnh cao huyết áp mà bất kỳ người bệnh nào cũng cần phải chú ý. Khi huyết áp tăng cao, tim phải hoạt động liên tục với tần suất cao để bơm máu tới các mạch máu ở ngoại biên. Tình trạng này nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến phì đại cơ tim, làm giảm khả năng đàn hồi dẫn tới suy giảm chức năng.
Ảnh hưởng đến mắt
Bệnh cao huyết áp có thể gây co thắt, sưng nề hoặc biến dạng các mạch máu ở võng mạc mắt. Biến chứng nghiêm trọng nhất là xuất huyết ở võng mạc làm mờ mắt hoặc khiến người bệnh mất khả năng nhìn rõ.
Ảnh hưởng đến các động mạch ngoại biên
Tình trạng cứng, xơ vữa, vôi hóa hoặc tắc nghẽn động mạch có thể xảy ra ở các động mạch ngoại biên như: động mạch chi trên và dưới, động mạch cảnh, động mạch thận nếu cao huyết áp ảnh hưởng thường xuyên trong thời gian dài. Tình trạng này có thể khiến người bệnh đau nhức, tê cứng chân tay, khó khăn trong việc di chuyển, vận động, thậm chí là mất khả năng di chuyển.
Gây suy giảm trí nhớ
Biến chứng của cao huyết áp lên não có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, phổ biến ở người cao tuổi. Ngoài ra, một số vấn đề về não cũng có thể xuất hiện nếu cao huyết áp không được kiểm soát kịp thời.
Các biến chứng khác
Ngoài các biến chứng nguy hiểm và phổ biến đã nêu trên, cao huyết áp còn có thể gây ra các ảnh hưởng sau: Rối loạn cương dương ở nam giới; tiểu đường; một số vấn đề về thận.
Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, bao gồm:
Biến chứng tim mạch: Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim,…
Biến chứng thần kinh: Đái tháo đường có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh, dẫn đến các triệu chứng như đau nhức, tê liệt, giảm cảm giác ở các chi, đặc biệt là ở chân và tay.
Biến chứng thị lực: Đái tháo đường có thể gây ra các vấn đề về thị lực như mắt khô, hoa mắt, mù lòa, thậm chí là mất thị lực hoàn toàn.
Biến chứng thận: Đái tháo đường có thể gây ra các vấn đề về thận như suy thận, viêm thận, thậm chí là suy thận cấp tính.
MC Lan Anh: Vậy thưa Th.Bs Lê Ái Kim Anh, ngành Y tế đã triển khai những giải pháp gì để phòng, chống BKLN trong thời gian vừa qua?
Ths.Bs Lê Ái Kim Anh: Những giải pháp Ngành Y tế triển khai để nâng cao nhận thức của người dân và nhất là người có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại các cơ sở y tế trong thời gian vừa qua:
- Thứ nhất: Ngành Y tế xác định phòng chống BKLN luôn là nhiệm vụ ưu tiên.
- Thứ hai: Truyền thông giáo dục sức khỏe bao gồm: Truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp.
Đặc biệt, đa dạng hóa các loại hình truyền thông, truyền thông qua mạng xã hội… để người dân có nhận thức đúng về các BKLN.
+ Các cơ sở y tế chủ động phát hiện những yếu tố nguy cơ, qua đó khám sàng lọc một cách chủ động cho người dân để phân loại, xác định họ đang ở giai đoạn/mức độ nào của bệnh.
- Thứ 3: Khi đã xác định một người mắc BKLN, các cơ sở y tế có trách nhiệm quản lý, theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị, chủ động phòng ngừa để bệnh không diễn biến đến mức độ nặng hơn, tránh gây khó khăn, tốn kém trong việc điều trị và chăm sóc.
- Thứ 4: Cán bộ y tế theo dõi thường xuyên để phát hiện nếu bệnh nhân ở giai đoạn biến chứng gây tàn phế, tàn tật, thì sẽ được chăm sóc, điều trị nâng cao chất lượng cuộc sống, phục hồi chức năng tốt nhất.
Truyền thông giáo dục sức khỏe để dự phòng các yếu tố nguy cơ và dự phòng bệnh cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới sẽ là giải pháp then chốt cần tiếp tục được đẩy mạnh.
MC Lan Anh: Vậy thưa bác sĩ, từ các giải pháp trên, kết quả đạt được ra sao ạ?
Th.Bs Lê Ái Kim Anh: Kết quả trong năm 2023, ngành Y tế đã thực hiện sàng lọc tư vấn tăng huyết áp cho 10.031 người, phát hiện 47,33% người mắc tăng huyết áp.
Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực, phòng chống bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại của rượu bia cho cán bộ y tế tỉnh, huyện, xã.
- Tập huấn về quản lý, điều trị BKLN tại Trạm Y tế.
- Phối hợp với Bệnh viện K tổ chức lớp “Đào tạo nâng cao năng lực về phát hiện sớm một số loại ung thư và phương pháp tổ chức sàng lọc ung thư”. Ngoài ra, còn tập trungg đào tạo vào các lĩnh vực như: Phòng, chống tác hại rượu bia và đồ uống có cồn, phòng chống tác hại của thuốc lá, dinh dưỡng hợp lý…
- Mạng lưới phòng chống BKLN đang ngày càng được củng cố, duy trì tốt tại Trung tâm y tế của 9 huyện/thành trong tỉnh. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đều có chuyên trách/bộ phận triển khai hoạt động phòng, chống BKLN. Tại tuyến xã, các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tâm thần... đều được phân công cụ thể đến từng cán bộ y tế chịu trách nhiệm thực hiện.
MC Lan Anh:Như vậy, theo đánh giá của ngành Y tế, hiện mới chỉ có một tỷ lệ người nhất định mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường được chẩn đoán, tức là trong cộng đồng còn có nhiều bệnh nhân chưa biết mình mắc bệnh, xin bác sĩ Lê Ái Kim Anh có thể cho biết cụ thể hơn ạ?
Ths.Bs Lê Ái Kim Anh: Hiện nay, chỉ 43,1% trường hợp tăng huyết áp được phát hiện còn lại gần 60% trường hợp tăng huyết áp chưa được phát hiện trong cộng đồng. Trong những trường hợp được phát hiện, chỉ 13,6% trường hợp được quản lý điều trị tại một cơ sở y tế bất kì và dưới 10% người bệnh đạt mục tiêu điều trị.
Với bệnh đái tháo đường, mới có 31,1% người bệnh được phát hiện và 28,9% các trường hợp phát hiện được đưa vào quản lý điều trị. Đặc biệt, mới có 20% người bệnh đạt được mục tiêu điều trị.
Theo kết quả năm 2023 về chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Thái Nguyên:
Đối với bệnh tăng huyết áp: Ước tính, 12% dân số mắc, tương ứng toàn tỉnh có khoảng 157 nghìn người. Trong khi đó, đến nay, chúng ta mới phát hiện được trên 44 nghìn người, chiếm khoảng 28% tổng số bệnh nhân ước tính.
Đối với bệnh đái tháo đường: Ước tính, có 2% dân số mắc, tương ứng toàn tỉnh có trên 26 nghìn người. Trong khi đó, đến nay, chúng ta mới phát hiện được gần 7,8 nghìn nghìn người, chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân ước tính.
MC Lan Anh: Trở lại với Ths.Bs Phạm Thị Lệ Thu, thưa bác sĩ, đối với người chưa được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường và khi xét nghiệm đường được đánh giá trong giai đoạn tiền phát bệnh thì nên điều trị và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt như thế nào để tránh chuyển thành tình trạng bệnh lý?
Ths.Bs Phạm Thị Lệ Thu: Những giải pháp được đưa ra bao gồm:
- Thực hiện hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe: Giảm ăn muối; không hút thuốc; uống rượu, bia; tích cực hoạt động thể lực, bảo đảm ít nhất 30 phút mỗi ngày; giảm căng thẳng, lo âu; kiểm soát cân nặng.
- Đo huyết áp thường xuyên và “nhớ số đo huyết áp như nhớ tuổi của mình”.
- Đối với người tuổi cao, gia đình có người tăng huyết áp càng phải quan tâm nhiều hơn việc dự phòng tăng huyết áp.
Mọi người cần theo dõi đường máu, đến khám tại cơ sở y tế định kỳ. Hãy hành động ngay! Đi khám để xét nghiệm đường máu ngay nếu bạn nguy cơ cao. Đường máu bình thường sẽ ở mức < 5.6 mmol/L.
MC Lan Anh: Vậy thưa bác sĩ, đối với người bình thường chưa mắc bệnh, cần có những điều chỉnh như thế nào trong sinh hoạt, ăn uống để phòng bệnh đái tháo đường?
Ths.Bs Phạm Thị Lệ Thu: Chúng ta cần tăng cường hoạt động thể lực. Hạn chế các hoạt động tĩnh tại như ngồi xem ti vi, ngồi sử dụng máy tính… Nếu làm các công việc tĩnh tại trong văn phòng thì sau 1 giờ cần có hoạt động thể lực 5 - 10 phút.
Thứ 2 là không lạm dụng rượu bia. Nếu có uống thì nên hạn chế. Nam: Mỗi ngày chỉ uống ≤ 2 đơn vị cồn. Nữ ≤ ½ nam.
Thứ 3 là không hút thuốc lá
Thứ 4 là chế độ dinh dưỡng hợp lý:
Giảm muối bằng cách: Cho bớt muối khi nấu ăn, giảm, hạn chế chấm thức ăn vào gia vị, nước mắm, hạn chế ăn các thực phẩm mặn như dưa/cà muối, cá muối, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.
Duy trì cân nặng lý tưởng: Duy trì cân nặng lý tưởng thông qua chế độ ăn uống giảm năng lượng và tăng hoạt động thể lực. Cân nặng lý tưởng khi BMI từ 18,5-22,9.
Chế độ ăn uống (ngoài giảm muối): Ăn đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm. Tăng cường ăn rau quả để cung cấp chất xơ, vitamin và muối khoáng, bảo đảm ăn đủ 5 đơn vị chuẩn (400g)/ngày. Hạn chế thực phẩm nguồn gốc động vật nhiều mỡ.
MC Lan Anh: Vậy còn đối với những bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường, họ cần lưu ý những gì để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tối đa các biến chứng thưa bác sĩ?
Ths.Bs Phạm Thị Lệ Thu: Đầu tiên chúng ta phải thực hiện lối sống lành mạnh. Năng động, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc và tránh sử dụng rượu bia. Giảm cân từ từ nếu bạn thừa cân-béo phì.
Thứ hai, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định và kiểm tra theo định kỳ. Điều trị bằng thuốc: Sử dụng thuốc đúng như đã kê đơn; theo dõi đường máu. Dự phòng và kiểm soát tăng huyết áp: Đo HA thường xuyên. Dự phòng & kiểm soát tăng mỡ máu: XN cholesterol định kỳ.
Thứ ba, kiểm tra biến chứng. Các biến chứng hay gặp: Bệnh tim-mạch, mù lòa, suy thận, loét bàn chân (có thể dẫn đến cắt cụt chân).
Đặc biệt, người bệnh cẩn thận với bệnh lao. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc lao. Bị bệnh lao làm cho đường máu khó kiểm soát hơn.
MC Lan Anh: Về phía ngành Y tế, ngành sẽ có những giải pháp gì để tăng cường hiệu quả các chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng thời gian tới, thưa Th.Bs Lê Ái Kim Anh?
Ths.Bs Lê Ái Kim Anh: Thời gian tới, ngành Y tế Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các BKLN. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời chính là chìa khóa để quản lý hiệu quả các ca BKLN. Duy trì và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ dự phòng và nâng cao chất lượng khám chữa BKLN tại tất cả các tuyến.
MC Lan Anh: Thưa quý vị và các bạn, hiện nay, tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm trên thế giới có xu hướng gia tăng rõ rệt và ngày càng trẻ hóa, trong đó Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất thế giới.
Và để phòng chống các bệnh không lây nhiễm, bên cạnh sự vào cuộc của ngành Y tế thì rất cần sự chung tay của mỗi người dân trong việc phòng bệnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh không lây nhiễm.
Hy vọng với những giải đáp của hai vị khách mời ngày hôm nay sẽ giúp quý vị khán giả của Báo Thái Nguyên xây dựng được cho riêng mình kế hoạch phòng, tránh được các bệnh không lây nhiễm hết sức nguy hiểm này.