Cách nhân viên Hàn Quốc chọn nơi làm việc

Sau đại dịch, đi làm không còn là điều bắt buộc, thay vào đó, nhiều người lao động Hàn Quốc được tự do lựa chọn nơi làm việc.

Mô hình làm việc kết hợp đang được hưởng ứng tích cực từ Naver, Line Plus, SK Telecom và nhiều công ty lớn khác tại Hàn Quốc. Theo quản lý của các công ty này, nhân viên được lựa chọn hình thức làm việc mong muốn, chẳng hạn làm việc hoàn toàn từ xa, làm tại văn phòng có vị trí thuận lợi hoặc kết hợp làm ở nhà và tới văn phòng.

Vào đầu 2020, ảnh hưởng của đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên đã khiến các công ty buộc phải chuyển sang làm việc tại nhà để hạn chế lây nhiễm. Nhưng kể từ đó, sau gần 3 năm đại dịch bùng phát, mô hình làm việc kết hợp trở nên quen thuộc và được duy trì, đặc biệt là trong các công ty công nghệ thông tin và các tập đoàn lớn, theo Korea Times.

Đối với các công ty làm về công nghệ thông tin, do không phải vận hành các cơ sở sản xuất lớn, họ đã áp dụng nhiều hình thức đi làm khác nhau do nhận thấy linh hoạt hóa các hoạt động tại nơi làm việc không chỉ nâng cao phúc lợi mà còn tăng năng suất cũng như sự hài lòng trong công việc.

“Chúng tôi đã vận hành hệ thống Kết nối công việc kể từ tháng 7, cho phép nhân viên chọn làm việc từ xa 5 ngày một tuần hoặc 3 ngày kết hợp với 2 ngày tới văn phòng”, phát ngôn viên của Naver, công ty công nghệ hàng đầu Hàn Quốc, cho biết.

 Tới văn phòng làm việc giờ chỉ là một trong số những lựa chọn của nhiều nhân viên tại Hàn Quốc.

Tới văn phòng làm việc giờ chỉ là một trong số những lựa chọn của nhiều nhân viên tại Hàn Quốc.

“Workcation” nở rộ

Cùng với sự phát triển của xu hướng này, thuật ngữ “workcation”, từ ghép giữa “work” (dịch: công việc) và “vacation” (dịch: kỳ nghỉ), đã xuất hiện. Nhiều công ty đã bắt đầu bố trí nơi làm việc từ xa cho nhân viên của mình từ những địa điểm du lịch địa phương tới các điểm nghỉ dưỡng ở nước ngoài.

Theo người phát ngôn của Naver, công ty này cũng phát triển một hệ thống “workcation”, trong đó, nhân viên có thể tới làm việc tại viện đào tạo của họ ở Chuncheon (Gangwon, Hàn Quốc) trong một tuần.

Nữ phát ngôn viên nói: “Viện đào tạo sẽ bố trí phòng riêng cho nhân viên. Trong thời gian ở đó, họ có thể vừa làm vừa tận hưởng chuyến du lịch tại khu vực Gangwon trong thời gian rảnh. Sắp tới, nhân viên công ty sẽ có thêm cơ hội được đi làm ở văn phòng Tokyo”.

Lee Min-chul, nhân viên tại SK Telecom, cho hay anh thường chọn làm việc tại văn phòng trung tâm công ty ở Sindorim (Seoul) mỗi tuần một lần vì gần nhà, thay vì đi đến trung tâm thành phố Seoul, nơi đặt trụ sở chính của công ty.

 Người lao động tại một số công ty Hàn Quốc được chọn nơi làm việc theo sở thích.

Người lao động tại một số công ty Hàn Quốc được chọn nơi làm việc theo sở thích.

“Tôi đi làm ở Sindorim vì nó gần nơi tôi sống. Khi đi làm, công ty cung cấp không gian làm việc cá nhân giúp tôi tập trung hơn là ở nhà hay ngồi quán cà phê. Tôi cũng không cần mang theo máy tính cá nhân khi đi làm bởi văn phòng đã có sẵn máy tính bàn có thể kết nối với toàn hệ thống”, anh chia sẻ.

Theo Lee, từ tháng 4, SK Telecom đã triển khai hệ thống WFA (làm việc ở mọi nơi) thông qua việc mở thêm 4 văn phòng rải khắp khu vực thủ đô từ trung tâm tới các vùng lân cận.

Công ty này cũng có một hệ thống cho phép nhân viên được chọn thời gian làm việc linh hoạt, thay vì tuân theo giờ hành chính.

Line Plus, chi nhánh Hàn Quốc của công ty công nghệ thông tin Line, cũng áp dụng phương pháp làm việc kết hợp. Đại diện công ty cho biết đây cũng là một trong những điều kiện hấp dẫn nhân viên mới.

“Chúng tôi áp dụng cách làm việc linh hoạt, nhân viên được phép làm từ xa hoặc chọn kết hợp với tới phòng làm việc. Do không còn hạn chế về điều kiện địa lý, có nhiều người đang sống tại nước ngoài cũng nộp đơn ứng tuyển. Nó đang thực sự giúp chúng tôi mở rộng nguồn nhân lực của mình”, phát ngôn viên của Line nói.

Từ tháng 7, Line Plus cũng áp dụng hình thức “workcation”, một số nhân viên đã chọn và tới những nơi xa như đảo Jeju, Thái Lan và Indonesia để làm việc và du lịch.

Một kỹ sư phần mềm tại Line Plus cho biết: “Làm việc từ xa tại Jeju là một phần của thử thách sống như một người du mục kỹ thuật số đối với tôi. Vì không tới chỗ làm trong thời gian dài nên tôi có nhiều thời gian dành cho gia đình và bản thân hơn”.

Không thể thay thế việc đi làm

Xu hướng này cũng giúp lượng khách hàng của các công ty cung cấp hệ thống văn phòng trung tâm có sự gia tăng.

WeWork tiết lộ rằng dịch vụ Không giới hạn của mình đang ngày càng phổ biến, nhất là khi nhân viên được làm việc linh hoạt trở thành xu hướng. Qua đây, khách hàng từ mọi nơi trên thế giới có thể chọn truy cập với bất kỳ chi nhánh nào với mức phí hàng tháng khoảng 200 USD.

Theo phát ngôn viên của WeWork tại Hàn Quốc, nhiều công ty khởi nghiệp, công ty lớn và chi nhánh Hàn Quốc của các công ty nước ngoài đã đăng ký để nhân viên của họ có thể dịch vụ này như một hình thức thay thế cho việc đến văn phòng.

 Xu hướng làm việc kết hợp vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức.

Xu hướng làm việc kết hợp vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức.

Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực đặc thù khó có thể áp dụng cách làm việc này. Trong đó, các công ty game là một trường hợp điển hình.

Bởi tính chất công việc, ngay sau khi tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực, các công ty sản xuất trò chơi đã dần bỏ hình thức làm việc từ xa và yêu cầu nhân viên quay trở lại làm việc tập trung.

“Chúng tôi vẫn cho phép làm việc ở nhà một phần, nhưng điều này đã dẫn đến tình trạng chậm trễ nghiêm trọng khi tung ra các trò chơi mới. Vì vậy, có vẻ như đây không phải hình thức phù hợp mặc dù chúng tôi cũng hoạt động trong ngành công nghệ thông tin”, một quản lý tại công ty game Hàn Quốc cho hay.

Kim Dae-jong, giáo sư Trường Kinh doanh tại Đại học Sejong, chia sẻ rằng hình thức làm việc tại nhà ban đầu được đưa ra là để tránh sự lây lan của virus. Nhưng giờ đây, nó đã phát triển thành một mô hình làm việc mới nhằm giúp người lao động có nhiều lựa chọn hơn khi đi làm.

Ở Hàn Quốc, nơi những người trẻ vẫn còn e dè trong sử dụng chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ, các loại hình làm việc kết hợp nên được khuyến khích. Nó có thể giúp cha mẹ chăm sóc con cái của họ một cách hiệu quả mà không phải xin nghỉ phép.

Dù vậy, theo Kim, xu hướng này có thể gây ra sự bất bình đẳng giữa nhân viên làm việc ở nhà máy và văn phòng trong các công ty sản xuất truyền thống.

“Nó có thể tạo ra sự phân biệt giữa người lao động được làm việc tại nhà và những người không. Các lãnh đạo nên suy nghĩ nhiều hơn về cách quản lý sao cho hiệu quả, nhất là với những người không được lựa chọn hình thức làm việc”, giáo sư nói thêm.

Bình Nhi

Ảnh: Korea Times.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-nhan-vien-han-quoc-chon-noi-lam-viec-post1372206.html