Cách Nhật Bản áp dụng các biện pháp ngăn ngừa tình trạng du lịch quá tải
Núi Phú Sĩ, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và là biểu tượng của Nhật Bản mới đây đã đưa ra quy định mới đối với những người leo núi trong bối cảnh lo ngại về tình trạng du lịch quá tải.
Vấn đề quá tải du lịch ở núi Phú Sĩ
Theo hãng CNN, núi Phú Sĩ đang chứng kiến sự bùng nổ về số lượng khách du lịch kèm theo lo ngại về lượng rác thải khổng lồ khách để lại và sự an toàn của những người thích đi bộ đường dài.
Ùn tắc giao thông, chân núi ngập rác và những người đi bộ đường dài không ăn mặc phù hợp, thậm chí một số còn leo lên núi bằng dép, là một trong những vấn đề gây "khó chịu" tại điểm đến nổi tiếng của Nhật Bản.
Với hàng triệu du khách đổ tới núi Phú Sĩ mỗi năm cùng nhiều phương tiện phục vụ du khách như xe buýt, xe tải chở hàng và hàng loạt cửa hàng bán đồ ăn, đồ lưu niệm, núi Phú Sĩ của Nhật Bản không còn là địa điểm hành hương yên bình như xưa nữa.
Hiện nay, các nhà chức trách Nhật Bản đã nhận thức được hệ lụy của tình trạng này và cảnh báo số lượng lớn người leo lên ngọn núi lửa nổi tiếng thế giới - cả ngày lẫn đêm - là mối nguy hiểm và gây nhiều hệ lụy cho hệ sinh thái.
Lượng du khách tăng đột biến dẫn đến rác thải tích tụ khối lượng lớn trên đường mòn cũng như ùn tắc dẫn đến tai nạn, thương tích cho người leo núi.
Không chỉ vào ban ngày mà kể cả vào ban đêm, cũng có rất đông du khách di chuyển lên ngọn núi cao 3.776m. Vào ban đêm, hàng dài người cầm theo đuốc lên núi để kịp ngắm bình minh.
Chào đón du khách tại đây là hàng loạt nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn nhẹ và đồ uống cho người leo núi trước khi lên đường. Những cửa tiệm nhỏ chạy bằng máy phát điện diesel và họ sử dụng hàng ngàn lít nước được chở tới bằng xe tải. Xe tải cũng là phương tiện thu thập rác và đổ ra ngoài.
Giải pháp thu phí hạn chế du khách
Để giảm đi tình trạng tắc nghẽn trên núi, chính quyền tỉnh Yamanashi trong tuần này đã đưa ra quy định thu phí 2.000 yên (13 USD) cho mỗi người leo núi trong thời gian tới.
Ông Koutaro Nagasaki, Thống đốc tỉnh Yamanashi cho biết bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp an toàn khi leo núi Phú Sĩ, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Núi Phú Sĩ, báu vật của thế giới, sẽ được bảo tồn cho các thế hệ tương lai.
Trong khi đó, ông Toshiaki Kasai thuộc Ban Di sản Thế giới Fuji của tỉnh Yamanashi cho biết chính quyền tỉnh cũng sẽ áp đặt quy định hạn chế chỉ cho phép 4.000 người leo núi hàng ngày. Ngoài ra, các hướng dẫn viên mới sẽ quản lý sự an toàn ở trên và xung quanh các con đường mòn. Hướng dẫn viên sẽ thông báo cho những người leo núi khi vi phạm nghi thức trên núi, chẳng hạn như ngủ bên đường mòn, đốt lửa hoặc mặc sai quần áo.
Mặc dù ông Kasai không sử dụng thuật ngữ "du lịch quá tải" nhưng trong những năm gần đây, rõ ràng là có quá nhiều các vấn đề xảy ra trên ngọn núi cao 3.776m của Nhật Bản.
Theo dữ liệu thống kê của tỉnh, khoảng 5 triệu người đã leo núi Phú Sĩ vào năm 2019, tăng 3 triệu người kể từ năm 2012.
Ông Masatake Izumi, một quan chức chính quyền tỉnh Yamanashi nhận định, vào năm ngoái, tình trạng du lịch quá tải và tất cả những hậu quả kéo theo như rác thải, lượng khí thải CO2 tăng và những người đi bộ đường dài là vấn đề lớn nhất mà núi Phú Sĩ phải đối mặt.
Vào năm 2023, một tình nguyện viên tên là Tomoyo Takahashi từng đưa ra yêu cầu du khách tự nguyện đóng góp 1.000 yên (7,50 USD) để bảo tồn ngọn núi.
"Không phải ai cũng trả 1.000 yên. Tuy nhiên, nếu có thể, du khách thậm chí phải trả phí vào cửa bắt buộc cao hơn nhiều để nâng cao ý thức bảo tồn di sản của Núi Phú Sĩ", ông Tomoyo Takahashi nói thêm.
Núi Phú Sĩ là một trong những điểm đến nổi tiếng, linh thiêng và được người dân Nhật Bản tôn sùng. Ngày nay ngọn núi và khu vực xung quanh cũng là một điểm đến thu hút du khách cho các hoạt động tham quan, đi bộ đường dài, cắm trại, thư giãn.
Những điểm đến khác
Du lịch quá tải đã trở thành một vấn đề lớn hơn ở Nhật Bản kể từ khi nước này mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Không chỉ là vấn đề riêng ở núi Phú Sĩ, ở Kyoto, người dân địa phương ở khu phố cổ Gion cũng bày tỏ mối quan ngại đối với việc du khách đổ xô tới đây chụp ảnh và làm việc.
Trong khi thành phố đã treo biển hiệu và áp phích yêu cầu du khách không chụp ảnh nhưng người dân địa phương vẫn vi phạm. Một đề xuất được hội đồng khu phố đưa ra là áp dụng mức phạt hoặc vé phạt nếu chụp ảnh.
Bên cạnh đó, thị trấn Hatsukaichi thuộc quận Hiroshima ở phía tây nam Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng quá tải du lịch. Thị trấn nhỏ này có cổng torii "ngôi đền nổi" màu cam nổi tiếng, là một phần của khu phức hợp Thần đạo 1.400 năm tuổi.
Vào tháng 10/2023, thị trấn bắt đầu thu phí 100 yên cho mỗi du khách đến thăm đền thờ. Số tiền từ "thuế du lịch" sẽ được dùng để bảo tồn địa điểm và cơ sở hạ tầng ở đây.