Cách những người không sáng tạo có thể nghĩ ra ý tưởng mới

Có một cách để bạn dễ dàng nghĩ ra những ý tưởng mới, ngay cả khi bạn cảm thấy bản thân không phải là người sáng tạo, theo CNBC.

 Ý tưởng có thể xuất phát từ những thứ tưởng chừng như không liên quan. Ảnh: Entrepreneur.

Ý tưởng có thể xuất phát từ những thứ tưởng chừng như không liên quan. Ảnh: Entrepreneur.

Nhà tâm lý học tổ chức Adam Grant và nhà nghiên cứu lãnh đạo Brené Brown đều tự cho rằng họ là người không sáng tạo. Tuy nhiên, hiện tại, họ đều là những tác giả có sách bán chạy nhất, thường xuyên tạo ra những ý tưởng mới mẻ hoặc dẫn dắt cuộc trò chuyện mới.

“Tôi lớn lên với suy nghĩ rằng mình hoàn toàn không có khả năng sáng tạo. Điều tôi giỏi nhất là tìm ra những gì sẽ có trong bài kiểm tra và đạt điểm A”, ông Grant nói.

Bà Brown cũng cảm thấy tương tự, kể từ khi gia đình bà chuyển đến vùng ngoại ô Houston khi bà còn nhỏ. Ở đó, bà cảm thấy bị áp lực khi phải làm theo sự sáng tạo của những đứa trẻ khác trong trường mới.

Nhất là khi học đến cấp 2, nếu không làm giống như những đứa trẻ khác, bà có thể bị suy giảm sự tự tin.

“Đột nhiên, tôi phải tuân thủ mọi thứ. Ở độ tuổi đó, tôi gặp áp lực phải làm giống với bạn bè cùng trang lứa", bà Brown nói.

Cuối cùng, cả ông Grant và bà Brown phải tìm cách thoát khỏi lối mòn, bằng cách học theo những trường hợp xung quanh.

Lắp ghép các vấn đề

Đối với ông Grant, sự thay đổi đến ở trường đại học, khi bài tập ở trường của ông trở nên không còn liên quan đến kiến thức hiện có. Thay vào đó, ông cần có góc nhìn mới lạ hoặc đưa ra một lập luận thú vị.

Buộc phải sáng tạo, ông Grant coi bộ não của mình một chiếc chăn bông lớn có nhiều ô vuông. Mỗi ô vuông nhỏ tượng trưng cho một điều ông đọc được hoặc một câu hỏi.

Tuy nhiên, các ô vuông này độc lập với nhau và đang tìm kiếm sự kết nối. Ông Grant bắt đầu ghép các ô vuông lại với nhau để tìm ra ý tưởng mới.

Ví dụ, nhiều năm trước, ông Grant nhận thấy người người phàn nàn về sự tương tác của họ với những người khác. Những người phàn nàn gặp khó khăn trong việc xác định mục đích tương tác.

Vấn đề đó không có gì mới mẻ, tuy nhiên, nó hấp dẫn ông Grant. Ông bắt đầu tìm hiểu thêm và nhận ra có nhiều bài báo học thuật về chủ đề này. Mỗi người có một vấn đề khác nhau, nhưng khi kết hợp lại, ông Grant có thể xác định một chủ đề chung.

“Lúc này, tôi nhận ra đây có thể là ý tưởng mới”, ông Grant nói. Kết quả, năm 2013, ông Grant cho ra đời một cuốn sách từ ý tưởng trên và trở thành cuốn sách bán chạy nhất của ông.

 Ý tưởng của ông Grant xuất phát từ điểm chung của các vấn đề riêng biệt. Ảnh: Island media.

Ý tưởng của ông Grant xuất phát từ điểm chung của các vấn đề riêng biệt. Ảnh: Island media.

Kết nối những chấm nhỏ

Bà Brown cũng có cách tiếp cận tương tự. Cuốn sách bán chạy nhất của bà là Daring Greatly - lấy tên từ một dòng trong bài phát biểu năm 1910 của Theodore Roosevelt (cựu tổng thống Mỹ) về những khoảnh khắc dũng cảm.

Bài phát biểu sẽ không gây ấn tượng với mọi người về sự tổn thương. Tuy nhiên, bà Brown nhìn thấy mối liên hệ giữa bài phát biểu của cựu tổng thống và các nghiên cứu học thuật của mình - vốn tập trung vào mối liên hệ giữa tính dễ bị tổn thương và khả năng lãnh đạo thành công. Cuối cùng, ý tưởng được đưa ra với sự cộng hưởng giữa nghiên cứu hiện đại và lịch sử.

Chia sẻ với CNBC, cả 2 vị chuyên gia đều khẳng định sáng tạo, ý tưởng sẽ xuất hiện nếu bạn cởi mở khi tiếp thu thông tin mới.

“Một trong những lý do khiến tôi tìm ra mối liên hệ giữa những thứ tưởng như không liên quan là lượng kiến thức khổng lồ mà tôi có” Brown nói thêm.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều thông tin có thể dẫn đến quá tải. Vì vậy, bà Brown khuyên bạn cần hiểu rõ thông tin mình có, áp dụng kiến thức đó một cách cụ thể vào các vấn đề mà bạn quan tâm.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-nhung-nguoi-khong-sang-tao-co-the-nghi-ra-y-tuong-moi-post1385831.html