Cách phòng bệnh và chăm sóc đôi mắt

Bệnh viêm kết mạc bởi nhiều nguyên nhân như bụi bẩn, ô nhiễm hay vi khuẩn gây nên và đặc biệt có thể lây từ người sang người.

Đau mắt đỏ - Bệnh viêm kết mạc cần chú ý

Kết mạc là một lớp màng mỏng trong suốt có các mạch máu, bao phủ lòng trắng (củng mạc) của nhãn cầu và phía trong mí mắt. Một trong những bệnh thường gặp ở nhiều người hiện nay đó chính là bệnh viêm kết mạc. Bệnh này có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân như bụi bẩn, ô nhiễm hay vi khuẩn gây nên và đặc biệt có thể lây từ người sang người.

Khi kết mạc bị viêm thì gọi là viêm kết mạc và đây là một trong các bệnh về mắt phổ biến xuất hiện theo mùa. Biểu hiện cho bệnh viêm kết mạc thường thấy đó là gây đỏ, ngứa rát, chảy nước mắt, chảy mủ hoặc cảm giác như có gì đó cộm trong mắt. Lứa tuổi nào cũng đều có khả năng bị viêm kết mạc nên bạn cần chú ý, nhất là trẻ con. Nếu không xử lý kịp thời, viêm kết mạc sẽ có thể dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới mắt và tầm nhìn.

Nháy mắt trái - Biểu hiện thường gặp của một số thay đổi từ cơ thể

Hiện tượng nháy mắt bên trái là một hiện tượng sinh lý thường gặp ở tất cả mọi người. Hiện tượng nháy mắt trái chính là một trong những biểu hiện khi bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề của sức khỏe.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để lý giải hiện tượng nháy mắt trái, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đây là do sự hoạt động rối loạn của các dây thần kinh có chức năng điều khiển mí mắt, khiến mí mắt cử động liên tục. Ngoài ra, đây còn là biểu hiện do sự hoạt động rối loạn của các cơ nâng đỡ mí mắt hay do mắt bị mỏi do hoạt động liên tục, điều tiết với tần suất lớn. Đặc biệt, nếu cơ thể mệt mỏi, stress do thiếu ngủ, do làm việc quá sức hay thiếu hụt một số dưỡng chất quan trọng như canxi, kali, magie, vitamin C… cũng có thể gây ra tình trạng này.

Các tật khúc xạ - Bệnh thường gặp ở nhiều bạn trẻ

Một điều đáng ngạc nhiên là ngày càng nhiều trẻ em gặp các bệnh về mắt và chủ yếu tập trung về các tật khúc xạ. Các tật khúc xạ thường thấy như là cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị,... Tuy không ít người gặp phải các bệnh về tật khúc xạ song những bệnh này trên thực tế thường chỉ gây khó khăn trong việc quan sát mà hiếm khi làm mất thị lực hoàn toàn nên không thường được điều trị ngay khi phát hiện.

Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, các bệnh về tật khúc xạ đang dần được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bạn cần đến các cơ sở uy tín để được tư vấn và hỗ trợ chính xác, an toàn cho đôi mắt của mình.

Mù màu - Hội chứng thị lực màu kém

Nghe có vẻ lạ với nhiều người nhưng trên thực tế thì đây lại là bệnh không hề hiếm gặp. Khi bạn không thể nhìn thấy hoặc phân biệt một số màu sắc sắc nhất định thì đó là biểu hiện của bệnh mù màu hay thị lực màu kém. Người bị mù màu không có hoặc thiếu hụt tế bào nón (loại tế bào giúp chúng ta nhìn và phân biệt được màu sắc) hoặc những tế bào này trong mắt họ không hoạt động bình thường. Đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh mù màu ở nhiều người.

Bệnh mù màu có thể do bẩm sinh hoặc cũng có thể xuất hiện bởi một số ảnh hưởng từ bệnh khác hay do tác dụng phụ của một số thuốc. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu và báo cáo đã chỉ ra, bệnh mù màu bẩm sinh thường gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới.

Những thay đổi của cơ thể chính là minh chứng rõ nhất cho tình trạng sức khỏe. Không chỉ nháy mắt, nhảy mũi liên tục hay nhiều biểu hiện khác cũng có thể là một trong những cảnh báo khi cơ thể đang gặp phải một số vấn đề. Hãy quan tâm tới sức khỏe ngay hôm nay để sống khỏe mỗi ngày.

Giữ đôi mắt khỏe mạnh bằng những "mẹo" nhanh và đơn giản

Những phương pháp chăm sóc đơn giản, dễ thực hiện, nhưng sẽ mang lại kết quả tuyệt vời trong việc nuôi dưỡng “cửa sổ tâm hồn”.

1. Yoga cho đôi mắt

Trước tiên bạn hãy ngồi thật thoải mái, hãy tưởng tượng có một chiếc đồng hồ trước mặt bạn, sau đó nhìn lên số chỉ 12 giờ. Dừng một giây, tiếp theo hạ thấp ánh nhìn xuống hướng 6 giờ. Hãy tạm dừng vài giây, sau đó không chớp mắt. Lặp lại động tác này 10 lần. Hoàn thành bài tập bằng cách áp đôi bàn tay lên đôi mắt của bạn trong vài giây, cho phép chúng nghỉ ngơi trong bóng tối.

2. Chăm sóc mắt bằng mật ong

Trước khi đi ngủ 5-10 phút, bạn ăn một thìa mật ong với một chút nước ấm. Các chuyên gia da liễu nói: “Phương pháp này rất hữu hiệu để phòng chống các bệnh về mắt. Nó như liều thuốc an thần cho mắt vậy”.

3. Chế độ ăn uống hợp lý

Trong chế độ ăn uống, phải đảm bảo bữa ăn có chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho mắt, nhất là vitamin A (có trong cần tây, dầu cá, lòng đỏ trứng gà, gan động vật, cà chua…) thì mắt mới sáng và khỏe mạnh được”.

Cũng như làn da, đôi mắt cần được cung cấp đầy đủ độ ẩm cần thiết và cách giữ ẩm tốt nhất cho mắt là uống thật nhiều nước trong ngày. Đặc biệt, để đôi mắt luôn trẻ trung và khỏe mạnh sẵn sàng cho 1 ngày mới, chị em cũng cần ngủ đủ thời gian tối thiểu là 8 giờ/ngày.

4. Sử dụng lòng bàn tay

Việc căng mắt để làm việc dưới ánh sáng nhân tạo trong cả một ngày khiến đôi mắt mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi thường xuyên. Một cách đơn giản đó là tập thể dục cho đôi mắt mệt mỏi chỉ với hai phút. Trước tiên, chà tay kỹ với nhau trong 20 giây. Khum lòng bàn tay lại và úp vào mắt trong vòng hai phút. (Lưu ý nhỏ, bạn nên để các ngón tay thật khít với nhau tránh để ánh sáng lọt vào). Cách này giúp bạn chống mỏi mắt, giảm quầng thâm và căng thẳng.

5. Rửa mắt

Bạn nên coi trọng vấn đề rửa mắt một cách thường xuyên. Theo các chuyên gia, việc làm mát mắt bằng nước lạnh là phương pháp tuyệt vời trong việc chăm sóc đôi “cửa sổ tâm hồn”.

6. Vitamin

Thường xuyên tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin như đu đủ, trứng, cá, sữa và các loại rau lá xanh trong chế độ ăn hàng ngày, cũng là một bước tốt trong việc chăm sóc mắt.

7. Uống nhiều nước

Điều này đã được chứng minh mang lại hiệu quả tuyệt vời trong việc duy trì sức khỏe của đôi mắt.

8. Đắp trái cây cho mắt

Trong trường hợp bạn bị vòng thâm quầng dưới mắt, hãy đặt một lát dưa leo hoặc khoai tây lên vùng da bị ảnh hưởng để điều trị.

9. Sử dụng nước mát

Khi mắt bị căng thẳng, bạn hãy sử dụng nước mát để rửa. Biện pháp này sẽ mang lại cảm giác dễ chịu, sảng khoái cho mắt ngay lập tức.

10. Bông gòn nhúng sữa

Nhúng một miếng bông gòn vào ly nước sữa ấm rồi đặt nó lên mắt cũng có thể giúp làm dịu tình trạng mệt mỏi của mắt.

11. Luyện tập

Tạo thói quen luyện tập, giúp thư giãn các cơ ở mắt, bằng cách nhắm mắt lại rồi suy nghĩ đến những chuyện vui nào đó vào những khoảng thời gian cố định hàng ngày.

12. Vệ sinh mắt

Khi mắt bị đỏ, ngứa bạn có thể rửa chúng bằng dung dịch nước muối pha loãng. Phương pháp này giúp chữa trị tình trạng mắt bị nhiễm trùng.

13. Ngủ

Trong trường hợp mắt có khuynh hướng bị sưng bụp, bạn hãy chợp mắt một lát, có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng một cách đáng kể.

14. Khám mắt định kỳ

Điều cuối cùng bạn cần nhớ là phải thường xuyên kiểm tra mắt theo định kỳ mỗi năm một lần.

Bên cạnh đó, bạn nên đeo kính râm khi ra ngoài đường, tránh đôi mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Không nên nheo mắt, bởi nó có thể gây ra căng thẳng và mệt mỏi. Nếu công việc của bạn hay phải tiếp xúc với mán hình vi tính cả ngày thì bạn nên kiểm tra độ sáng/độ tương phản trên máy của bạn, nếu cần thiết bạn nên để kèm một màn hình chống chói.

P.Vân (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cach-phong-benh-va-cham-soc-doi-mat-550784.html