Cách phòng lây nhiễm sốt xuất huyết tốt nhất

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em.

 Sốt xuất huyết có thể gây bệnh nặng ở trẻ em do đề kháng kém hơn người lớn. Ảnh: Unsplash.

Sốt xuất huyết có thể gây bệnh nặng ở trẻ em do đề kháng kém hơn người lớn. Ảnh: Unsplash.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), từ đầu năm đến ngày 11/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.608 ca sốt xuất huyết (trong đó số ca trẻ bé hơn 15 tuổi là 941 ca, chiếm tỷ lệ 58,52%).

Trẻ em dễ mắc sốt xuất huyết hơn người lớn do bản tính hiếu động, ham chơi, thích chơi ở chỗ tối nên dễ bị muỗi tấn công. Đồng thời, trẻ thường chơi đùa, ra nhiều mồ hôi nên muỗi dễ phát hiện và đốt.

Trẻ nhỏ cũng thường không có khả năng bảo vệ mình khỏi sự tấn công của muỗi. Ngoài ra, khi bị muỗi đốt thì sức đề kháng của trẻ cũng yếu hơn người trưởng thành nên dễ mắc bệnh nặng hơn.

Đặc điểm của sốt xuất huyết ở trẻ em

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn sốt, nguy hiểm và hồi phụcc.

Ở giai đoạn sốt, trẻ em thường sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì than nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Sau giai đoạn sốt, trẻ đi vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Biểu hiện trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể có các biểu hiện như đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan; nôn ói; vật vã, lừ đừ, li bì; chảy máu lợi, chân răng, tiểu ra máu.

Đến giai đoạn phục hồi, sau giai đoạn nguy hiểm 48-72 giờ, trẻ hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều; có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da.

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

 Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết ngày càng phát triển mạnh do khí hậu ấm lên. Ảnh: Deposit Photos.

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết ngày càng phát triển mạnh do khí hậu ấm lên. Ảnh: Deposit Photos.

Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em

Hiện nay, thời tiết tại Đồng Nai đang là giữa mùa mưa, có nhiều vũng nước đọng và nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho muỗi sinh trưởng, phát triển làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết đối với trẻ.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có màu đen, thân và chân có những đốm trắng, thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Loài vật này thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C.

Để bảo vệ trẻ trước sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, các bậc phụ huynh cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Bảo vệ trẻ khỏi bị muỗi đốt: Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ chơi ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

Loại bỏ nơi sinh sống và sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy: Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn; hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

Để diệt muỗi, người dân có thể dùng bình xịt muỗi, vợt điện muỗi, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch

Khi trẻ bị sốt, phụ huynh cần tránh tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt vì nếu bị sốt xuất huyết, tác dụng phụ của thuốc có thể gây xuất huyết sớm và nặng hơn. Người nhà nên cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Bác sĩ Hồ Thị Hồng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-phong-lay-nhiem-sot-xuat-huyet-tot-nhat-post1486453.html