Hai bệnh truyền nhiễm đang gia tăng tại TP.HCM tuần qua

Số ca sốt xuất huyết và sốt phát ban nghi sởi trong tuần qua có xu hướng tăng. Trong khi đó, trường hợp mắc tay chân miệng giảm so với trung bình 4 tuần trước.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, TP.HCM ghi nhận 352 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, thấp hơn 14,7% so với trung bình 4 tuần trước.

Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến tuần 33 là 10.232 ca. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, thành phố ghi nhận 299 trường hợp mắc bệnh, cao hơn 17,8% so với trung bình 4 tuần trước. Như vậy, tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 33 đã nâng lên 5.753 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 1.000 dân cao là quận 1, quận 7 và TP Thủ Đức.

Trong tuần 33 cũng ghi nhận 100 ca phát ban nghi sởi sống tại TP.HCM. Tổng số ca phát ban nghi sởi tích lũy của thành phố là 441 ca, trong đó có 170 ca phòng thí nghiệm, phân bố tại 15/22 quận, huyện.

Theo biểu đồ diễn biến dịch bệnh của HCDC, số ca tay chân miệng được ghi nhận tại TP.HCM đang có dấu hiệu ổn định. Trong khi đó, số ca sốt xuất huyết và sốt phát ban nghi sởi có xu hướng tăng. Nhiều chuyên gia nhận định, con số này có thể tiếp tục gia tăng, nhất là khi năm học mới đã cận kề.

 Nguồn: HCDC.

Nguồn: HCDC.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, bệnh chủ yếu thường được gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ mắc bệnh thường có các dấu hiệu như sốt, mắt đỏ, kèm nhèm, sưng nề mi mắt, phát ban dài từ phía sau tai lan đến mặt, cổ, ngực, lưng, tay, chân…

Để phòng ngừa bệnh sởi, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo phụ huynh nên cho con đi tiêm vaccine bệnh sởi mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng và mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng. Khi trẻ mắc bệnh sởi, phụ huynh lưu ý hạn chế tiếp xúc gần, đeo khẩu trang, rửa tay và giữ vệ sinh da, mắt, mũi, họng…

Tương tự bệnh sởi, tay chân miệng là bệnh thường gặp ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, thường xuất hiện vào 2 đợt cao điểm trong năm là tháng 4-6 và tháng 9-11. Đặc trưng của bệnh tay chân miệng là các nốt ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và loét miệng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra thông qua vật chủ trung gian muỗi vằn, xuất hiện quanh năm. Vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi, phát triển nên bệnh có xu hướng gia tăng.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tinh-hinh-benh-soi-sot-xuat-huyet-va-soi-tai-tphcm-tuan-qua-post1493644.html