Cách phòng ngừa bệnh sán lá gan

Tại hội nghị khoa học bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 vừa tổ chức tại TP. Nha Trang, các báo cáo khoa học cho thấy, trong 10 năm qua, bệnh sán lá gan đang gia tăng tại các tỉnh trong khu vực.

Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cho biết, trong tổng số 1.020 bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan lớn được theo dõi, điều trị tại viện trong 10 năm qua, tổn thương hệ gan mật chiếm 97,25%; nhiều bệnh nhân có ổ áp xe trong nhu mô gan, đường kính 5 - 7cm, thậm chí lớn hơn 10cm. Trong đó, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh chiếm đến 83%, cao gấp 5 lần so với nam giới.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán lá gan bao gồm bệnh sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa. Sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ đều có hình chiếc lá, thân dẹt, bờ mỏng, kích thước khác nhau tùy loài.

Quang cảnh hội nghị khoa học Bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới miền Trung - Tây Nguyên năm 2023.

Quang cảnh hội nghị khoa học Bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới miền Trung - Tây Nguyên năm 2023.

Với bệnh sán lá gan nhỏ, vật chủ chính là người và một số động vật như: Chó, mèo, cáo, chồn, chuột...; vật chủ trung gian truyền bệnh thứ nhất là các loài ốc bythinia và melania, vật chủ trung gian truyền bệnh thứ hai là cá nước ngọt... Người nhiễm bệnh do ăn cá, ốc có chứa ấu trùng sán chưa được nấu chín. Sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật, trứng bài xuất ra ngoài theo phân. Do ký sinh trong đường mật, khi nhiễm sán lá gan nhỏ có thể có các biểu hiện: Đau tức vùng gan (do sán sinh sản gây tắc các đường mật trong gan dẫn đến biểu hiện đau tức hạ sườn phải); rối loạn tiêu hóa (kém ăn, khó tiêu...). Trường hợp nặng, sán lá gan nhỏ có thể gây viêm đường mật, chảy máu đường mật, ung thư đường mật, xơ gan mật...

Với bệnh sán lá gan lớn, vật chủ chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò; người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ lymnaea. Người bị nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán. Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2 đến 3 tháng, sán sẽ xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng, trứng bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước nở thành ấu trùng. Ấu trùng phát triển nhiều giai đoạn thành nang trùng. Nang trùng vào dạ dày tới ruột rồi lên gan và ký sinh tại gan. Tại gan, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm. Người bệnh nhiễm sán lá gan lớn thường có biểu hiện: Đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau, hoặc đau vùng thượng vị và mũi ức. Một số trường hợp sán lá gan lớn gây áp xe gan, nếu khối áp xe vỡ lên phổi có thể gây tràn dịch màng phổi, bệnh càng nặng nề; một số trường hợp khác sán ký sinh lạc chỗ như ở phổi, dưới da ngực...

Triệu chứng của bệnh sán lá gan có biểu hiện giống với các bệnh lý khác ở gan, như viêm gan vi rút, viêm đường mật do sỏi, ung thư gan, hay áp xe gan do các nguyên nhân khác... Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám kỹ để được điều trị thích hợp. Nếu nghi ngờ bị nhiễm sán lá gan, bệnh nhân có thể đến bệnh viện làm xét nghiệm. Khi được chẩn đoán nhiễm sán lá gan, người bệnh nên điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cần bồi dưỡng nâng cao thể trạng thông qua ăn uống.

Để phòng bệnh sán lá gan, mọi người cần ăn chín, uống sôi, đặc biệt không ăn các loại cá, ốc khi chưa được nấu chín kỹ dưới mọi hình thức, không ăn các loại rau sống mọc dưới nước; rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh...; không dùng phân tươi để bón rau; sử dụng nước sạch để ăn uống; tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

HỒNG HOA (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202311/cach-phong-ngua-benh-san-la-gan-e193c0d/