Cách phòng ngừa căn bệnh hàng đầu gây tử vong và tàn phế
Đột quỵ là gánh nặng toàn cầu với khoảng 12 triệu ca mới hàng năm. Riêng Việt Nam, khoảng 200.000 người phải đối mặt với nguy cơ tàn phế và tử vong do đột quỵ. Tuy vậy, hậu quả này hoàn toàn có thể phòng tránh.
Theo thống kê, hằng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu và tử vong. Đây cũng là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu.
Mặc dù hiện nay cấp cứu đột quỵ đã được mở rộng đến 24 giờ nhưng mỗi phút thiếu máu não sẽ mất thêm gần 2 triệu tế bào thần kinh. Do đó, người bệnh đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời.
Nguy hiểm là vậy nhưng các chuyên gia khẳng định đột quỵ có thể phòng ngừa. Thực tế cho thấy hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều mang một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ và không được kiểm soát hiệu quả.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đột quỵ được xem là bệnh tử thần thời đại 4.0. Hiện nay, 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ gồm nhóm yếu tố có thể thay đổi được như hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ; nhóm yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác, giới tính, gene di truyền.
Để phòng tránh đột quỵ, cần ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây bệnh thông qua các chương trình tầm soát đột quỵ. Việc phát hiện sớm cùng kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, thay đổi các thói quen và lối sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.
Ông P.V.B (58 tuổi, Đồng Nai) cho biết ông đã bỏ thuốc lá khoảng 5 năm sau khi một người bạn cấp cứu vì đột quỵ. Sau thời gian nằm viện, người bạn này phải tập luyện phục hồi chức năng khoảng 2 năm để sinh hoạt, đi lại mà không phụ thuộc vào người thân.
“Bác sĩ nói ông bạn bị tăng huyết áp và hút thuốc nhiều nên bị đột quỵ hơn người khác. Gia đình biết chuyện cũng khuyên tôi bỏ thuốc lá vì sợ rơi vào tình cảnh tương tự”, ông B. nói.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết những người có yếu tố nguy cơ đột quỵ cần được đánh giá nguy cơ bệnh mạch máu và điều chỉnh lối sống (gồm chế độ ăn, hoạt động thể lực, giảm cân, hút thuốc lá và uống rượu).
Trong đó, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng của xơ vữa mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ tiên phát và bệnh mạch máu ngoại biên. Những nghiên cứu gần đây mở rộng trên các đối tượng hút thuốc lá thụ động cũng cho thấy có tăng nguy cơ đột quỵ.
Thói quen thứ hai cần điều chỉnh là uống rượu bia. Bác sĩ Nghĩa cho hay sử dụng các thức uống có cồn quá mức là yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ do dẫn đến tăng huyết áp, tăng đông máu, giảm lưu lượng tưới máu não và làm xuất hiện rung nhĩ.
Mục tiêu hàng đầu của phòng ngừa đột quỵ là giảm và ngừng uống rượu đối với các bệnh nhân nghiện rượu bằng các biện pháp tham vấn.
Phòng ngừa tình trạng thừa cân béo phì cũng góp phần giảm nguy cơ đột quỵ ở mỗi người. Tỷ lệ thừa cân và béo phì có xu hướng tăng nhanh và phổ biến trong cộng đồng. Béo phì làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành và đột quỵ thông qua rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đề kháng insulin, đái tháo đường.
Những nghiên cứu về dịch tễ gần đây cho thấy nguy cơ đột quỵ bắt đầu tăng tuyến tính khi chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) trên 20, nghĩa là cứ BMI tăng lên 1 thì nguy cơ đột quỵ tăng thêm 5%. Giảm cân có thể thực hiện bằng thay đổi lối sống, hành vi, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Ngoài ra, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức độ phù hợp để góp phần giảm nguy cơ đột quỵ. Theo bác sĩ Nghĩa, mức hoạt động thể lực đối với người bình thường là 3-4 buổi/tuần, thời gian trung bình khoảng 40p/buổi với cường độ trung bình.
Hơn nữa, hoạt động thể lực còn giảm 10-30% nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành thông qua việc giảm cân, giảm huyết áp, cải thiện lipid máu, giảm sự đề kháng insulin.
Theo Hội đột quỵ thế giới, đột quỵ là gánh nặng toàn cầu với khoảng 12 triệu ca mới mỗi năm. Hiện châu Á đứng đầu gánh nặng với số người đột quỵ lớn nhất thế giới, yếu tố nguy cơ nhất là tăng huyết áp.