Cách phòng tránh mụn trứng cá và một số bệnh da liễu trong mùa Hè
Mùa hè là thời điểm rất dễ mắc các bệnh về da. Nguyên nhân thường do thời tiết nắng, nóng, độ ẩm cộng thêm một số tác động môi trường gây kích thích da.
Cùng điểm một số bệnh da liễu hay gặp nhất vào mùa Hè:
Mùa hè nắng nóng là nguyên nhân cho da tăng tiết mồ hôi và bã nhờn, khiến vi khuẩn P.acne dễ dàng xâm nhập vào lớp biểu bì, gây mụn trứng cá.
Rôm sảy: Rôm sảy thường gặp ở trẻ em, là tình trạng da của bé có những nốt mẩn đỏ, có mụn nước trong, đôi khi có mụn mủ xen lẫn. Rôm sảy thường xuất hiện ở các vị trí là các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán, mặt và cổ...
Viêm nang lông: Viêm nang lông là tình trạng viêm nhiễm ở phần nông của nang lông. Viêm nang lông thường gây ra triệu chứng khó chịu cho người bệnh như: vùng da viêm bị ngứa, xuất hiện sẩn, mụn mủ, vết trợt do gãi. Diễn biến viêm nang lông thường dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm.
Nấm da: Bệnh nấm da là loại bệnh nhiễm trùng da thường gặp mà nguyên nhân chủ yếu do khí hậu nóng ẩm hay vệ sinh da kém.
Chốc lở: Là một nhiễm khuẩn nông thường gặp ở da, đặc trưng bởi mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong. Hầu hết trẻ bị chốc lở trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, số bệnh nhi tăng hơn khi vào mùa hè.
Viêm kẽ: Triệu chứng của viêm kẽ thường có ngứa rát, đau ở các nếp của cơ thể thường trở nên đỏ, nứt kẽ và thượng bì ướt, trợt ra. Có thể gặp ở người ra mồ hôi nhiều, béo phì, đái tháo đường, vệ sinh kém, tuổi cao...
Theo bác sĩ Đỗ Kim Anh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong các bệnh da liễu thường gặp vào mùa hè, mụn trứng cá là phổ biến nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và sự tự tin khi giao tiếp. Tuy nhiên, nhiều người thường chữa bệnh theo dân gian, truyền miệng, thậm chí tin lời quảng cáo trên mạng dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Mụn trứng cá là bệnh lý thường gặp trên 85% thanh thiếu niên và có thể kéo dài đến khi trưởng thành, nguyên nhân là do tăng tiết tuyến bã, sừng hóa cổ nang lông, hoạt động mạnh mẽ của vi khuẩn P. acne và phản ứng viêm của cơ thể.
Thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiệt lượng trong cơ thể tăng lên khiến độc tố tích lũy nhiều hơn ảnh hưởng đến hoạt động của nội tiết tố, làm tăng hormone androgen, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn. Mồ hôi tiết nhiều hơn, cơ thể bị thiếu nước và dầu cũng tiết nhiều hơn, tạo điều kiện cho bụi và vi khuẩn xâm nhập, lỗ chân lông bị bức bí là lý do mụn trứng cá hoành hành nhiều hơn đặc biệt là mụn đầu trắng.
Các vấn đề của mụn trứng cá và hậu quả sau khi hết mụn như tăng sắc tố sau viêm đặc biệt là sẹo lõm hay sẹo lồi… có thể gây mất thẩm mỹ và thương tổn tâm lý hoặc cảm xúc lâu dài ở bệnh nhân.
Chính vì thế, việc điều trị mụn trứng cá càng sớm càng tốt giúp giảm nhanh chóng thương tổn mụn trứng cá. Hiện nay, ngoài phác đồ điều trị theo thuốc uống, thuốc bôi, chúng tôi còn kết hợp điều trị thay da sinh học điều hòa quá trình sừng hóa tái tạo tế bào và thiết bị laser đã giúp cải thiện tình trạng mụn viêm và sẹo mụn.
Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, bạn cần:
Tránh thức khuya: Hãy đi ngủ thật sớm để cơ thể đào thải được độc tố ra ngoài.
Nói không với cồn: Cồn hoặc chất kích thích khiến hệ nội tiết bị ức chế gây "mụn nhọt" đáng sợ.
Uống nhiều nước: Uống từ 2 - 3 lít nước mỗi ngày để thanh lọc và "hạ nhiệt" cho cơ thể.
Ăn trái cây giàu vitamin C: Hàm lượng vitamin C giúp làm sáng da, thải độc, mát gan, ngăn ngừa mụn hình thành.
Hạn chế đồ ngọt: Bởi cơ thể hấp thu nhiều đường sẽ khiến da dễ mọc mụn.
Giữ gìn làn da sạch: Đừng quên rửa mặt thật sạch 2 lần mỗi ngày để da của bạn luôn được thông thoáng và sạch sẽ.