Cách phòng tránh tăng huyết áp do căng thẳng

Căng thẳng có thể làm tăng huyết áp và có liên quan đến các biến cố bất lợi về tim mạch. Học cách quản lý căng thẳng có thể tạo ra sự khác biệt về sức khỏe tổng thể và làm giảm huyết áp cao.

1. Căng thẳng ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?

Căng thẳng có thể là ngắn hạn (cấp tính) hoặc dài hạn (mạn tính). Các yếu tố gây căng thẳng cấp tính bao gồm: Lo lắng khi đi khám bệnh, căng thẳng trước khi phát biểu hay tranh luận… Căng thẳng mạn tính bao gồm các vấn đề lâu dài như: Vấn đề về mối quan hệ, rắc rối tài chính, mất an ninh lương thực, căng thẳng liên quan đến công việc… Cả căng thẳng cấp tính và mạn tính đều có liên quan đến tăng huyết áp.

Căng thẳng có thể gây tăng huyết áp.

Căng thẳng có thể gây tăng huyết áp.

Khi ai đó gặp phải mối đe dọa, hệ thống thần kinh giao cảm sẽ kích thích tuyến thượng thận tiết ra các hormone gây căng thẳng là adrenaline và cortisol. Những kích thích tố này giúp cơ thể sẵn sàng ứng phó với mối đe dọa, gây ra:

Tăng nhịp tim
Tăng nhịp thở
Tăng huyết áp
Tăng lưu lượng máu đến cơ bắp…

Huyết áp tăng đột biến tạm thời để đối phó với căng thẳng cấp tính là bình thường. Do đó, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên đo huyết áp sau khi một người đã ngồi yên trong năm phút.

Điều này là do tác động mà ngay cả những căng thẳng cấp tính nhẹ như lái xe khi tham gia giao thông hay tác động vật lý của việc đi bộ đến phòng khám, cũng có thể gây ra huyết áp tăng nhẹ hoặc những người bị tăng huyết áp áo choàng trắng (huyết áp có thể bị tăng tại phòng khám nhưng huyết áp lại bình thường khi ở nhà).

Đối với căng thẳng mạn tính, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng mạn tính không chỉ liên quan đến huyết áp cao hơn mà còn liên quan đến các dạng bệnh tim mạch khác, như đau tim và đột quỵ.

Căng thẳng là không thể tránh khỏi, nhưng cách bạn đối phó với căng thẳng dường như đóng một vai trò quan trọng trong ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe.

2. Cách giảm căng thẳng, phòng ngừa tăng huyết áp

Kiểm soát căng thẳng không chỉ quan trọng đối với sức khỏe tinh thần mà còn đối với sức khỏe thể chất.

Sau đây là một số cách giúp quản lý căng thẳng:

Xác định, tránh hoặc quản lý các tác nhân tiềm ẩn gây căng thẳng
Ưu tiên giấc ngủ đầy đủ, chất lượng
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh
Tập thể dục thường xuyên
Tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ
Thực hiện các hoạt động như thiền, yoga

Điều quan trọng nữa là tránh các cơ chế đối phó với căng thẳng có hại như hút thuốc, ăn uống vô độ và sử dụng rượu… Các yếu tố này cũng lại góp phần gây ra căng thẳng và sức khỏe kém.

Khi mức độ căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần là lúc bạn cần phải tìm cách để kiểm soát căng thẳng. Tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc gặp bác sĩ trị liệu để được áp dụng phương pháp phù hợp. Các kỹ thuật như yoga, hít thở sâu, thiền và phản hồi sinh học… không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe tổng thể.

Phương pháp loại bỏ căng thẳng trước khi ngủ

BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-phong-tranh-tang-huyet-ap-do-cang-thang-169230408185239398.htm