Cách rán mỡ lợn trắng thơm, để cả năm không lo hỏng
Biết cách rán mỡ lợn trắng thơm, bạn sẽ không còn gặp tình trạng âu mỡ có mùi hoi, khét, ảnh hưởng hương vị món ăn và nhanh hỏng.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy giá trị dinh dưỡng cao của mỡ lợn rất lớn. Lượng axit béo không bão hòa trong mỡ lợn cao hơn chất béo bão hòa (chất béo tốt), bao gồm một số axit béo Omega-3 có lợi. Hàm lượng chất béo không bão hòa trong mỡ lợn nằm ở khoảng giữa bơ và dầu ô liu.
Một thìa canh mỡ lợn có 5gr chất béo bão hòa, 5,8gr chất béo không bão hòa đơn và 1,4gr chất béo không bão hòa đa. Một thìa bơ có 7,2gr chất béo bão hòa, 3gr chất béo không bão hòa đơn và 0,4gr chất béo không bão hòa đa. Còn dầu ô liu có 1,9gr chất béo bão hòa, 9,9gr chất béo không bão hòa đơn và 1,4gr chất béo không bão hòa đa.
Ngoài ra, mỡ lợn còn có một số vitamin và khoáng chất cần cho sức khỏe như Vitamin D (D2 + D3), vitamin E, vitamin A, vitamin B, kẽm, selen.

Mỡ lợn giúp món xào nấu có hương vị thơm ngon hơn. (Ảnh: Sohu)
Một thìa mỡ lợn chứa 1.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D, chỉ đứng sau dầu gan cá tuyết. Vitamin D rất cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi, giúp thúc đẩy tăng trưởng và duy trì sức khỏe xương.
Mỡ lợn có độ ổn định nhiệt cao hơn các loại dầu thực vật khác nên có điểm bốc khói cao hơn khi nấu nướng và không dễ bị phân hủy và sinh ra một số chất độc hại. Do đó, với những người thích chiên xào, mỡ lợn mang lại lợi ích rất lớn nếu được dùng với lượng vừa phải.
Cách rán mỡ lợn trắng, thơm ngon, để được lâu
Bí quyết rán mỡ lợn thơm ngon, trắng tinh và lâu hỏng nằm ở việc rán bằng nước và cho thêm gừng. Với miếng mỡ lợn khoảng 750gr, bạn nên cho 350ml nước và dùng 4 nhánh gừng.

Cách rán mỡ lợn thơm ngon: Cho thêm vài lát gừng. (Ảnh: Xiachufang)
Mỡ lợn rửa sạch, thái miếng vuông nhỏ. Gừng rửa sạch, cắt lát.
Bắc chảo lên bếp, làm nóng, cho mỡ lợn và gừng vào. Khi mỡ bắt đầu chảy phát ra tiếng xèo xèo, bạn đổ thêm nước vào chảo. Cách này sẽ giúp mỡ lợn không bị cháy vàng, tạo thành các miếng màu đen và mùi khét; mỡ lợn sẽ trắng và thơm, bảo quản lâu hơn.
Để tránh bắn, bạn nên dùng nắp nồi đậy lại khi mới cho nước. Đun sôi trên lửa lớn, sau đó mở nắp, đun nhỏ lửa để cạn nước.
Sau khoảng 20 phút, mỡ lợn sẽ co lại, chuyển sang màu vàng. Lúc này bạn có thể tắt bếp, vớt tóp mỡ ra.

Đun sôi nhỏ lửa để tránh mỡ lợn bị đen, cháy. (Ảnh: Xiachufang)
Dùng lọ sứ hoặc thủy tinh sạch, đổ phần nước mỡ thu được vào và để nguội. Vào mùa hè, hãy để mỡ lợn vào tủ lạnh để mỡ đông lại. Còn vào mùa lạnh, bạn có thể để mỡ bên ngoài và dùng dần.
Với cách rán mỡ lợn trắng thơm ở trên, bạn có thể bảo quản cả năm không lo hỏng.

Thành phẩm thu được là mỡ lợn trắng, thơm ngon. (Ảnh: Xiachufang)
Lưu ý khi ăn mỡ lợn
- Kiểm soát lượng mỡ lợn nạp vào: Lượng mỡ lợn tiêu thụ hàng ngày không nên vượt quá 50 gram để kiểm soát lượng chất béo bão hòa nạp vào, đặc biệt khi tiêu thụ các thực phẩm khác có chứa chất béo bão hòa. Mỡ lợn nên được coi như một loại gia vị và nên dùng vừa phải vì nó cung cấp rất nhiều năng lượng.
- Kết hợp với dầu thực vật: Khi bữa ăn chính có nhiều thịt, hãy thử sử dụng dầu thực vật để nấu ăn nhằm giảm lượng chất béo bão hòa hấp thụ. Với những người thường thích ăn thịt thì việc lựa chọn dầu thực vật làm dầu ăn là phù hợp hơn.
- Người ăn chay nên ăn vừa phải: Những người ăn chay lâu năm có thể ăn mỡ lợn ở mức vừa phải, nhưng cũng có thể lựa chọn dầu thực vật hoặc dầu động vật có hàm lượng chất béo bão hòa cao hơn để thay thế.
- Thận trọng khi sử dụng cho người mắc bệnh tim mạch: Người mắc bệnh tim mạch nên hạn chế ăn mỡ lợn để kiểm soát lượng chất béo bão hòa có lợi cho sức khỏe.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-ran-mo-lon-trang-thom-de-ca-nam-khong-lo-hong-ar944695.html