Cách Sam Bankman-Fried 'quyến rũ' các quỹ đầu tư danh tiếng rót vốn vào FTX
Sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn ở Phố Wall đã giúp tạo dựng uy tín cho FTX, trước khi 'đế chế' tiền mã hóa của Sam Bankmand-Fried sụp đổ.
Cuộc điện thoại bất ngờ từ vị giáo sư đại học đáng kính đã khiến Orlando Bravo - nhà sáng lập và điều hành quỹ đầu tư tư nhân Thoma Bravo - trở thành một trong những người ủng hộ trung thành nhất của Sam Bankman-Fried và công ty giao dịch tiền mã hóa FTX, theo Financial Times.
Đó là cuộc điện thoại của Joseph Bankman - giáo sư luật và kinh doanh đến từ ĐH Stanford, người từng dạy học cho Bravo vào khoảng những năm 1990.
Khi ấy, cụ thể là vào khoảng giữa năm 2021, quỹ đầu tư 122 tỉ USD của Orlando Bravo đang mở văn phòng ở Miami - 'nơi' Sam Bankman-Fried chi 135 triệu USD cho hợp đồng thương hiệu với một đội bóng rổ địa phương.
Sau khi nói chuyện với Sam Bankman-Fried, Bravo mới biết được rằng vị tỷ phú trẻ tuổi đang trong quá trình huy động 900 triệu USD ở vòng gọi vốn series B với mức định giá 18 tỉ USD. Thương vụ này có sự tham gia của các hãng đầu tư lớn như Sequoia Capital, BlackRock và SoftBank.
Bravo lập tức gọi điện lại cho Sam Bankman-Fried với mong muốn được giới thiệu và tìm cách tiếp cận thỏa thuận này – sau nhanh chóng trở thành đợt huy động vốn lớn nhất trong lịch sử của sàn giao dịch tiền mã hóa.
Sức hấp dẫn của FTX
Khi Bravo và một đối tác, Tre Sayle, bắt đầu thẩm định vòng gọi vốn, họ bất ngờ trước những con số về FTX.
Dù mới chỉ 2 năm tuổi, FTX khi ấy đã thu về khoản lợi nhuận 200 triệu USD. Đây là con số chưa từng có tiền lệ đối với một công ty đang trong giai đoạn đầu phát triển. Bravo hết sức bất ngờ.
Quỹ Thoma Bravo sau đó đầu tư hơn 125 triệu USD vào vòng gọi vốn trong tháng 6/2021, trở thành một trong những bên hậu thuẫn lớn nhất của FTX.
Thoma Bravo chỉ là một trong số những nhà đầu tư 'blue-chip' – trong đó có cả quỹ đầu tư nhà nước Temasek của Singapore, Tiger Global và quỹ Ontario Teachers’ Pension Plan – hậu thuẫn cho đế chế của Bankman-Fried trước khi nó bất ngờ sụp đổ, làm dấy lên nhiều quan ngại về mối liên hệ của nó với công ty tự doanh Alameda Research.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2019, FTX đã huy động được 1,8 tỉ USD và gần đây nhất được định giá tới 32 tỉ USD.
Các cổ đông của FTX bao gồm những tên tuổi được tôn trọng nhất trong lĩnh vực quản lý quỹ phòng hộ, kể như: Alan Howard của hãng Howard Asset Management, Izzy Englander đến từ Millenium Management và gia đình Paul Tudor Jones.
Khi FTX đã đệ đơn phá sản, những khoản đầu tư của họ có khả năng sẽ mất trắng.
Các hãng đầu tư như Sequoia, SoftBank và Paradigm – đồng sáng lập bởi cựu đối tác của Sequoia, Matt Huang – đã ghi nhận khoản đầu tư của họ ở FTX xuống còn 0, đồng nghĩa với việc chấp nhận 'mất trắng' hàng trăm triệu USD.
Các nhà đầu tư này cũng phải đối mặt với nhiều câu hỏi đến từ chính khách hàng của họ về khoản đặt cược sai lầm, lý do họ không yêu cầu được giữ một vị trí trong ban lãnh đạo của FTX, và liệu họ có thực sự hiểu cách mà FTX kiếm tiền hay không.
'Thua' đau vì FTX
Sự việc ở FTX đáng lẽ ra có thể kết thúc theo một hướng khác.
Nhiều nhà đầu tư nói rằng, Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập 30 tuổi có tính cách lập dị của FTX - có khả năng thu hút nguồn vốn từ khao khát của những người xuất thân từ lĩnh vực tài chính truyền thống đang lo sợ sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn trong lĩnh vực tiền mã hóa.
Sequoia, trụ sở tại California, bên hậu thuẫn ban đầu của Google, PayPal và WhatsApp, đã đầu tư 210 triệu vào FTX, và cũng là một trong số những tổ chức ủng hộ lớn nhất của Bankman-Fried.
Tháng 9/2022, công ty này công bố một bài viết đầy lời ngợi khen về ông chủ của FTX, nói rằng công ty này thấm nhuần “tầm nhìn về tương lai của tiền tệ - với thị trường hướng đến mọi cá nhân trên toàn hành tinh này.”
“Trí tuệ của ông ta thật đáng gờm và ghê gớm,” bài viết này có đoạn. Bài viết này được xóa sau khi Sequoia ghi nhận tổng mức đầu tư ở FTX xuống còn 0.
“Chúng tôi đã bị quyến rũ,” một nhà đầu tư hàng đầu từng đổ lượng lớn tiền vào FTX, nói. Ông nói rằng vào thời điểm công ty của ông đặt câu hỏi cho Bankman-Fried trước khi quyết định đầu tư vào FTX, họ “đáng lẽ nên tập trung hơn” vào những chi tiết về cách quản trị và kiểm soát tài chính của sàn giao dịch tiền mã hóa này – thay vì chú ý vào sự nổi tiếng của người sáng lập nó.
Nhà đầu tư này thừa nhận ông từng có một số vấn đề dè dặt sau một vài cú điện thoại ban đầu với Sam Bankman-Fried, bao gồm cả cách xử sự của doanh nhân này và có cảm giác như Sam Bankman-Fried tin rằng mọi người khác trong giới tài chính “là những tên ngốc.”
“Đáng lẽ ra tôi không nên dính vào ông ta,” nhà đầu tư này nói.
Một nhà đầu tư mạo hiểm đổ tiền vào FTX nói rằng vòng thẩm định của ông không phát hiện ra đòn bẩy tài chính đầy rủi ro của sàn giao dịch này.
Các hãng quản lý tài sản chính thống từng có thời điểm ra sức tìm đường vào lĩnh vực tiền mã hóa, thậm chí thuyết phục khách hàng của họ đầu tư vào ngành này. Điều này tạo ra sức ép lớn đến nỗi một vị quản lý cấp cao của một tổ chức tài chính nói rằng công ty ông từng tranh luận về việc mua FTX để “chơi lớn trong mảng tiền mã hóa.” Nhưng rồi ý tưởng này bị bác bỏ bởi “bản chất đầu cơ cao độ của mô hình kinh doanh này,” ông nói thêm.
Việc các nhà đầu tư đòi hỏi có một ghế trong ban lãnh đạo của một công ty mà họ đổ tiền vào là điều thường thấy trong giới đầu tư mạo hiểm, nhưng đối với FTX, không có một nhà đầu tư nào làm như vậy.
Orlando Bravo đã trở thành một trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Bankman-Fried trên Phố Wall và là người đấu tranh cho tiền mã hóa và FTX.
Ông tin rằng FTX có đủ tiềm năng để thay thế một số ngân hàng lớn nhất thế giới, một viễn cảnh mà chính người sáng lập của nó vạch ra.
Sam Bankman-Fried năm ngoái thậm chí còn tuyên bố rằng nếu FTX trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, việc mua lại Goldman Sachs “là điều có thể xảy ra"./.
Theo Financial Times