Cách sơ cứu vết bỏng ban đầu
Có rất nhiều tác nhân gây bỏng cho da như nhiệt độ, điện, dầu mỡ, hóa chất... nếu không được cấp cứu kịp thời, da bị tổn thương, nhiễm trùng, mạch máu cũng bị ảnh hưởng có thể bị tàn phế hoặc tử vong.
Khi bị bỏng, nhiều người đã tự ý điều trị tại nhà bằng các kinh nghiệm truyền miệng như: bôi xà phòng, xoa nước mắm, bôi kem đánh răng, đắp thuốc…gây nhiễm trùng, để lại di chứng nặng nề, điều trị tốn kém. Vì vậy việc sơ cứu bỏng ban đầu rất quan trọng và ai cũng cần có kiến thức này.

Có rất nhiều tác nhân gây bỏng cho da như nhiệt độ, điện, dầu mỡ, hóa chất, nếu không được cấp cứu kịp thời, da bị tổn thương, nhiễm trùng, mạch máu cũng bị ảnh hưởng…có thể tàn phế hoặc tử vong.
Các mức độ bỏng da
Mức độ bỏng da sẽ được phân biệt dựa vào độ sâu của vết thương. Bỏng da được chia 2 mức độ: bỏng nông và bỏng sâu
Đối với bỏng nông:
Ở mức độ 1: da chỉ bị tổn thương nông ở lớp biểu bì, viêm nề, xung huyết. Lúc này, da bị bỏng sẽ đỏ lên và có thể tự khỏi sau thời gian từ 2 đến 3 ngày.
Bỏng mức độ 2: da sẽ bị tổn thương ở biểu bì và lớp đáy còn. Vết bỏng khiến cho lớp biểu bì của da bị tổn thương, có dịch bên trong màu vàng. Tình trạng bỏng này có thể tự khỏi sau khoảng thời gian 10 ngày.
Mức độ 3: da bị tổn thương phần nhú còn các phần còn lại như gốc lông, tuyến bã, tuyến mồ hôi lại không bị ảnh hưởng. Vết bỏng mức độ 3 có vòm dày màu đỏ, dịch màu trắng đục. Vết thương sẽ tự khỏi sau khoảng thời gian 15 ngày.
Mức độ 4: độ nặng nhất đối với bỏng nông.Vết bỏng này khiến da bị tổn thương gần hết chiều sâu của trung bì và bám dính vào vùng cận hoại tử.
Đối với bỏng sâu:
Mức độ 1: Bỏng toàn bộ lớp da khiến da bị tổn thương nghiêm trọng, phá hủy các thành phần biểu mô và hoại tử có thể ướt hoặc khô.
Mức độ 2: Đây là mức độ nguy hiểm nhất do bỏng gây ra. Người bị bỏng có thể ảnh hưởng đến các lớp gân, cơ, xương và nội tạng trong cơ thể. Trường hợp bỏng nặng này thương do bỏng điện hoặc bỏng lửa gây ra. Hậu quả khi không được sơ cứu và điều trị đúng cách sẽ rất nặng nề.
Những lưu ý cần biết khi sơ cứu bỏng
Khi bị bỏng, nếu bệnh nhân không được sơ cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt còn nguy hiểm tới tính mạng.
Để sơ cứu bỏng đúng cách, hiệu quả thì bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:
Đưa nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng.
Hãy lấy nước sạch (không dùng nước đá) xối trực tiếp vào vùng da bị bỏng trong khoảng thời gian 20 phút. Mục đích là để giảm nhiệt độ trên bề mặt vùng da bị bỏng, đồng thời làm giảm độ sâu do vết bỏng gây ra.
Sau khi làm sạch vùng da bị tổn thương hãy lấy bông gạc hoặc khăn sạch để băng bó vết thương.
Nếu vết bỏng nhẹ, không quá nguy hiểm thì bạn có thể tự thoa thuốc bỏng tại nhà. Còn tình trạng nặng hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Cho nạn nhân uống nước vì nạn nhân rất khát nhất là khi phải chuyển nạn nhân đi xa. Chú ý chỉ cho nạn nhân uống nước khi nạn nhân tỉnh táo, không bị nôn và không có những chấn thương khác. Có thể cho nạn nhân uống nước đường hoặc oresol.
Không bôi kem đánh răng, xà phòng, nước mắm… lên vùng da bị bỏng, đây là cách sơ cứu bỏng sai lầm.
Nếu vết bỏng xuất hiện các bọc nước thì bạn nên cẩn thận, tránh làm vỡ bọc nước gây rát, khó chịu.
Nếu nạn nhân bị bỏng là trẻ em, để giúp trẻ không bị hoảng, cha mẹ nên cố gắng trấn tĩnh tâm lý của con.
Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở điều trị càng sớm càng tốt.

Nếu bị bỏng hóa chất hãy rửa ngay vết bỏng rửa liên tục bằng nước sạch càng nhiều càng tốt.
Cách sơ cứu đối với từng loại bỏng
Bỏng do điện
Hãy ngắt nguồn điện tiếp xúc với nạn. Nếu tim nạn nhân ngừng đập cần cấp cứu để tim đập trở lại sau đó đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất. Bỏng do điện rất nguy hiểm và để lại ảnh hưởng nặng nề, vì vậy việc sơ cứu đúng cách rất quan trọng mà bạn cần lưu ý.
Bỏng do hóa chất
Rửa ngay, rửa liên tục bằng nước sạch càng nhiều càng tốt. Nếu bỏng mắt do hóa chất cần được rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục cho hóa chất trôi ra hết.
Nhanh chóng tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Khi tháo phải lưu ý bảo vệ tay của người làm động tác đó (không dùng tay trần để tháo). Không cởi quần áo người bị bỏng rất dễ gây lột da, tốt nhất là nên xé bỏ quần áo dính hóa chất. Lưu ý không băng chặt và phải dùng bông, gạc sạch.
Bỏng lửa, nước sôi, dầu ăn
Tránh tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt. Ngay lập tức đưa người bệnh ra khỏi nơi hỏa hoạn, dập tắt lửa trên người người bệnh, cởi bỏ quần áo bị cháy hoặc thấm đẫm nước sôi, … Ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch nhanh chóng bằng nước mát càng sớm càng tốt, thời điểm tốt nhất sau khi bị bỏng trong khoảng 30 phút.
Tránh làm trợt vỡ vòm nốt phỏng. Giữ ấm phần cơ thể không bị bỏng. Che phủ vị trí bỏng bằng vật liệu sạch như: băng gạc y tế, vải màn, khăn mặt, khăn tay, … sạch để quấn phủ lên, sau đó dùng băng sạch băng ép nhẹ. Không băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng. Đối với vùng mặt và sinh dục chỉ cần phủ một lớp gạc.
Cùng với đó, cấp cứu toàn thân trong trường hợp ngừng tuần hoàn, đa chấn thương kèm theo, suy hô hấp do bỏng đường thở.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-so-cuu-vet-bong-ban-dau-169250221104423631.htm