Cách sử dụng hệ thống khởi hành ngang dốc
Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc ra đời để hỗ trợ người lái khi lái xe đường dốc.
Hệ thống khởi hành ngang dốc là gì?
Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (gọi tắt là HAC: Hill-start Assist Control hay HSA: Hill Start Assist) là một trong nhiều hệ thống an toàn phổ biến trên ô tô ngày nay. Hệ thống này giúp xe tự động giữ phanh khi người lái nhả chân phanh chuyển sang đạp chân ga lúc khởi hành ngang dốc.
Thực tế, khi người lái nhả phanh chuyển sang đạp ga sẽ phải mất vài giây. Nếu nhả phanh mà đạp ga bị chậm hoặc đạp ga không đủ lực, xe sẽ dễ bị tụt dốc. Nếu nhả phanh mà đạp ga quá mạnh, xe dễ bị vọt, thậm chí mất kiểm soát.
Để việc lên dốc dễ dàng hơn, các nhà sản xuất ô tô đã lắp thêm hệ thống khởi hành ngang dốc. Hệ thống này hoạt động khá đơn giản, khi người lái bắt đầu khởi động xe ngay giữa dốc cao thì hệ thống khởi hành ngang dốc sẽ được kích hoạt và khi người lái nhả chân phanh ra HAC sẽ giữ chân phanh để lái xe có đủ thời gian căn chỉnh tốc độ lên dốc dễ dàng.
Trước đây, chức năng khởi hành ngang dốc chỉ được trang bị trên các dòng xe ô tô hạng sang nhưng hiện tại ngay cả dòng xe hạng B cũng đều đã có chức năng này.
Hệ thống khởi hành ngang dốc hoạt động thế nào?
Trên nhiều mẫu xe, HAC hoạt động một cách tự động mà không cần tác động của người lái. Tuy nhiên ở một số xe, người lái sau khi dừng xe giữa dốc phải đạp phanh mạnh hơn một chút thì HAC mới hoạt động.
Các cảm biến sẽ theo dõi góc nghiêng của xe sau đó kết hợp ECU để phân bổ momen xoắn đều lên những bánh xe đồng thời giữ phanh giúp xe không bị trôi về phía sau.
Tuy nhiên việc giữ phanh này chỉ diễn ra từ 3-5 giây - vừa đủ để người lái chuyển sang chân ga và đạp ga để xe tiến lên phía trước.
Hỗ trợ khởi hành ngang dốc không phải là một công nghệ mới, nó đã xuất hiện được một thời gian trên nhiều mẫu ô tô khác nhau. Điểm mới là cách thức hoạt động của hệ thống này khác nhau ở các hãng.
Về cơ bản, nó làm chậm quá trình giảm áp suất phanh để giúp người lái đủ thời gian xuất phát. Giữ phanh ở mức tối thiểu cho đến khi đạt được momen xoắn chính xác để ô tô bắt đầu di chuyển về phía trước tại nơi nó nhả phanh, cho phép xe khởi hành suôn sẻ.
Trên thực tế, hệ thống khởi hành ngang dốc là tập hợp rất nhiều cơ cấu khác nhau cùng hoạt động.
Cảm biến đo độ nghiêng xe: Khi dừng lại giữa dốc trong khi vẫn giữ máy xe nổ, lúc này cảm biến đo độ nghiêng xe sẽ hoạt động và gửi tín hiệu về bộ điều khiển ECU. ECU sẽ tính toán để nhận biết chiếc xe có khả năng bị trôi dốc hay không và đưa ra tín hiệu điều khiển hợp lý.
Bộ điều khiển ECU: Bộ phận này chính là bộ não của của toàn bộ hệ thống. Nếu phát hiện thấy xe có khả năng bị tuột dốc, ECU sẽ gửi tín hiệu điều khiển hệ thống phanh và đồng thời điều khiển lượng momen xoắn phù hợp để chiếc xe di chuyển một cách tốt nhất.
Cảm biến chuyển động của bánh xe: Trên mỗi bánh xe đều có một cảm biến để đo tốc độ vòng quay. Mỗi khi bánh xe chuyển động đều xuất hiện từ trường được mã hóa thành các tín hiệu và gửi về ECU. Từ các tín hiệu này ECU cũng nhận biết được hướng chuyển động của xe.
Bộ điều khiển áp suất dầu phanh: Sau khi phân tích các tín hiệu và xác định chiếc xe có thể bị trôi, ECU sẽ đưa ra tín hiệu kích hoạt bộ điều khiển áp suất dầu phanh để điều chỉnh lực phanh nhằm ngăn cản xe bị tuột dốc.
Bộ ly hợp: Đối với những chiếc xe được trang bị hộp số sàn và có trang bị khởi hành ngang dốc, trước khi nổ máy người lái phải đạp bàn đạp ngắt ly hợp, lúc này sẽ xuất hiện tín hiệu gửi về ECU. Qua đó ECU sẽ xác định thời điểm để kích hoạt hệ thống phanh nhằm giữ cho xe ổn định.
Kiểm soát momen xoắn: Tính năng này nhằm kiểm soát lực kéo trên các bánh xe đủ để chiếc xe không bị trôi hoặc trượt bánh trong lúc xe bắt đầu chạy và tự động ngắt khi xe tăng tốc.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-su-dung-he-thong-khoi-hanh-ngang-doc-ar864212.html