Cách sử dụng thuốc chống nấm trị bệnh về mắt
Nhiễm trùng mắt do nấm nếu không được điều trị có thể khiến người bệnh khó chịu, đau đớn, thậm chí giảm thị lực…
1. Vì sao bị nấm mắt?
Nhiễm trùng mắt do nấm là một trong những bệnh về mắt rất hiếm nhưng có thể nghiêm trọng. Các bệnh về mắt do nấm bao gồm viêm giác mạc (nhiễm trùng giác mạc) và viêm nội nhãn (nhiễm trùng bên trong mắt).
Các triệu chứng khi bị nhiễm nấm mắt thường là: Đau mắt, mắt đỏ, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, chảy dịch mắt…
Nội dung
1. Vì sao bị nấm mắt?
2. Các thuốc điều trị nhiễm trùng mắt do nấm
3. Cảnh giác tác dụng phụ của thuốc
4. Làm gì để phòng nấm mắt?
Các loại nấm gây nhiễm trùng mắt:
Fusarium (có trong đất và thực vật)
Aspergillus (trong nhà và ngoài trời)
Nấm men Candida (trên da người và lớp lót bảo vệ bên trong cơ thể, màng nhầy).
Các nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng mắt do nấm:
Chấn thương mắt, đặc biệt là do dị vật tác động.
Phẫu thuật mắt (phổ biến nhất là phẫu thuật ghép giác mạc hoặc phẫu thuật đục thủy tinh thể).
Các bệnh về mắt mãn tính liên quan đến bề mặt của mắt như khô mắt.
Kính áp tròng.
Tiếp xúc với các sản phẩm y tế bị ô nhiễm.
Nhiễm trùng máu do nấm.
Sử dụng corticoid.
Hệ thống miễn dịch suy yếu.
Bệnh đái tháo đường.
2. Các thuốc điều trị nhiễm trùng mắt do nấm
Nhiễm nấm mắt có thể khiến người bệnh có nguy cơ bị mù nếu không được điều trị đúng cách. Mặc dù có nhiều thuốc mới, nhưng việc chữa trị vẫn còn khó khăn trong nhiều trường hợp. So với thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm có hiệu quả thấp hơn do cơ chế tác dụng của chúng (thường là kìm nấm, với tác dụng diệt nấm phụ thuộc vào liều lượng), khả năng xâm nhập vào mô thấp hơn và bản chất nhiễm trùng nhẹ.
Do đó, tất cả các loại nhiễm trùng mắt do nấm, phải tuân thủ điều trị bằng thuốc chống nấm theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, thường là trong vài tuần đến vài tháng.
Tùy thuộc vào từng loại nấm, mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, vị trí nào của mắt bị ảnh hưởng để lựa chọn thuốc điều trị thích hợp. Hiện tại, các phương pháp điều trị nhiễm nấm mắt bao gồm: Thuốc nhỏ mắt, thuốc viên hoặc thuốc dùng đường tĩnh mạch, thuốc tiêm trực tiếp vào mắt, phẫu thuật mắt.
2.1. Viêm giác mạc do nấm
Có thể xảy ra sau chấn thương mắt do dị vật có nguồn gốc thực vật (khoảng 50%) hoặc dịch thủy tinh thể tiếp xúc bị nhiễm bẩn, nấm xâm nhập vào giác mạc trong suốt dẫn đến viêm và mất thị lực. Ngoài ra, có thể do dùng corticosteroid tại chỗ, nhiệt độ và độ ẩm bên ngoài cao hơn.
Thuốc chống nấm mắt tại chỗ có tác dụng tốt đối với các bệnh nhiễm nấm liên quan đến lớp ngoài của mắt, đặc biệt nếu nguyên nhân do:
- Viêm giác mạc do nấm sợi (Aspergillus, Fusarium) gây ra, thường dùng natamycin 5%, amphotericin B 0,15% hoặc voriconazole 2-3% (50 µg/ml) tại chỗ.
- Do nấm men Candida gây ra có thể dùng amphotericin B 0,15% hoặc voriconazole 2-3%.
2.2. Viêm nội nhãn do nấm
Cần nhiều phương pháp điều trị và thời gian chữa lành lâu hơn so với nhiễm trùng bề mặt. Điều trị bằng thuốc kháng nấm như amphotericin B, fluconazole hoặc voriconazole. Những loại thuốc này có thể được dùng bằng đường uống, qua tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào mắt.
- Viêm nội nhãn do nấm Candida: Nguyên nhân gây viêm nội nhãn do nấm Candida có thể do: Phẫu thuật mắt, chấn thương, nhiễm nấm men, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch. Điều trị bằng cách tiêm amphotericin B hoặc voriconazole vào trong dịch kính.
- Viêm nội nhãn do nấm Aspergillus: Aspergillus xâm nhập vào dịch nội nhãn sau chấn thương/phẫu thuật hoặc nội sinh từ máu. Viêm nội nhãn do nấm sợi thường liên quan đến việc điều trị bằng corticosteroid lâu dài hoặc sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch. Nó cũng có thể xảy ra do hậu quả của viêm giác mạc do nấm.
Điều trị bằng tiêm nội nhãn amphotericin B (5 mg/0,1 ml) hoặc voriconazole (tối đa 100 microgam/ml). Ngoài ra, có thể dùng voriconazole hoặc caspofungin toàn thân trong ít nhất 1 tháng.
Các liệu pháp thay thế bao gồm miconazole tại chỗ (1%) và dưới kết mạc (10 mg) hoặc hỗn dịch itraconazole tại chỗ (1%). Trị liệu thường được tiếp tục trong ít nhất 14 ngày.
Những bệnh nhân bị nhiễm trùng không thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc chống nấm có thể cần phẫu thuật, bao gồm ghép giác mạc, loại bỏ gel thủy tinh thể từ bên trong mắt (cắt bỏ dịch kính), hoặc trong trường hợp nặng hơn phải loại bỏ mắt (lọc nhân).
3. Cảnh giác tác dụng phụ của thuốc
Thuốc nhỏ mắt chống nấm có thể gây kích ứng nhẹ hoặc khó chịu. Tác dụng phụ nghiêm trọng chứng tỏ do phản ứng dị ứng với thuốc. Các triệu chứng có thể gặp: Phát ban, sưng tấy, ngứa, các phản ứng có thể xuất hiện ở mặt, cổ họng hoặc lưỡi, chóng mặt, khó thở. Khi thấy bất kỳ triệu chứng nào trên đây, cần báo ngay cho bác sĩ để có cách xử lý kịp thời, tránh hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngoài ra, trong thời gian dùng thuốc chống nấm, người bệnh không được tự ý ngừng sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
4. Làm gì để phòng nấm mắt?
- Nấm phát triển mạnh ở ngoài trời, cần đeo kính bảo vệ ngay cả kính râm cũng có thể bảo vệ phần nào. Đặc biệt, nếu tập thể dục trong tự nhiên với cây cối, đeo kính bảo vệ là điều bắt buộc.
- Vệ sinh khử khuẩn kính áp tròng trước khi đeo và sau khi sử dụng. Tháo kính áp tròng trước khi bơi, tắm vòi sen hoặc sử dụng bồn tắm nước nóng để tránh nhiễm trùng mắt.
- Các tình trạng như hội chứng khô mắt có thể khiến nấm xâm nhập vào mắt qua các vùng bị tổn thương. Do đó, cần liên hệ với bác sĩ nhãn khoa khi có dấu hiệu đầu tiên của bất kỳ loại nhiễm trùng nào.
- Bất kỳ loại sản phẩm dùng cho mắt nào, kể cả sản phẩm y tế, đều có thể bị nhiễm nấm nếu chúng tiếp xúc với không khí hoặc các bề mặt. Vứt bỏ bất kỳ sản phẩm đã hết hạn, có thông báo thu hồi hoặc những sản phẩm có thể đã bị nhiễm bẩn.