Cách Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền giảng phương Tây chánh niệm
Tờ Washington Post của Mỹ mới đây đã cho đăng tải một bài xã luận ca ngợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng như việc ông mang chánh niệm tới phương Tây, giúp thay đổi cuộc đời nhiều người.
VietNamNet xin trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết này của tác giả Arthur C. Brooks:
"Khi hít vào, ta thấy cơ thể này không phải của ta. Khi thở ra, ta không bị giới hạn bởi cơ thể này. Ta là cuộc sống không có ranh giới. Ta chưa bao giờ được sinh ra và ta chưa bao giờ chết đi". Thiền sư Thích Nhất Hạnh của Việt Nam, người đã đúc kết triết lý trên vừa viên tịch ở tuổi 95.
Ngoài Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được coi là tu sĩ Phật giáo nổi tiếng nhất với thế giới phương Tây. Ông đến phương Tây vào năm 1961 để giảng dạy về Phật giáo và tôn giáo học so sánh tại các trường Đại học Princeton và Đại học Columbia (Mỹ). Ông thu hút đông đảo sự chú ý vì phản đối chiến tranh Việt Nam và tình bạn với nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr., người gọi ông là “tông đồ của hòa bình”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau đó còn viết sách (ông đã bán được hơn 3 triệu cuốn sách chỉ tính riêng ở Mỹ), thành lập một trung tâm thiền tập Phật giáo chủ yếu dành cho người phương Tây, thu hút hàng nghìn tín đồ. Ông cũng dẫn dắt các cuộc hội thảo tại nhiều tổ chức, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới, Google và Đại học Harvard.
Đóng góp lớn nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đối với tư duy phương Tây là truyền giảng triết lý về chánh niệm: ý thức đầy đủ về khoảnh khắc hiện tại. Ông tin chánh niệm là bí quyết không chỉ để hạnh phúc mà còn để sống đích thực.
Con người có một khả năng đáng chú ý để tồn tại bên ngoài khoảnh khắc hiện tại. Thật vậy, sự tinh túy của trí óc con người là khả năng tái hiện các sự kiện trong quá khứ và mường tượng các viễn cảnh trong tương lai. Tất nhiên, đây là một may mắn lớn vì nó cho phép chúng ta học hỏi tối đa từ các trải nghiệm của mình và thực hành hiệu quả cho tương lai.
Tuy nhiên, đó cũng là một lời nguyền. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lý giải điều này trong cuốn sách “Điều kỳ diệu của chánh niệm” xuất bản năm 1975: “Trong khi rửa bát, người ta chỉ nên rửa bát. Điều đó có nghĩa, trong khi rửa bát, người ta phải hoàn toàn nhận thức được thực tế rằng mình đang rửa bát. Tại sao? Nếu chúng ta đang nghĩ về quá khứ hoặc tương lai, chúng ta không còn sống trong thời điểm mình đang rửa bát nữa". Chúng ta hoặc đang sống lại một quá khứ hoặc "bị hút vào tương lai" chỉ tồn tại trong ý niệm. Do đó, chỉ có chánh niệm thì mới thực sự sống.
Đơn giản vậy thôi, nhưng tất nhiên cũng vô cùng khó, như bất kỳ người mới nhập môn thiền nào có thể chứng thực. Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền dạy rằng, bí quyết là thực hành trong các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như rửa bát. Nhưng nó cũng đòi hỏi sự thành thạo của một ý niệm thứ hai, giống như chánh niệm, gần như xa lạ với người phương Tây trước tác phẩm của thiền sư: không cố chấp vướng mắc.
Sự cố chấp vướng mắc của bản thân khiến chúng ta quên lãng việc tồn tại thực sự trong cuộc sống của mình. Cố chấp vướng mắc với những gì? Rõ ràng nhất là với sự sở hữu. Trong “Trái tim của Bụt” (1999), Thiền sư kể câu chuyện về Đức Phật và một nhóm nhà sư "đang an yên dùng bữa trưa cùng nhau" thì một người nông dân địa phương xông vào và hỏi một cách đầy kích động rằng họ có nhìn thấy những con bò đã bỏ chạy của anh ta hay không. Người nông dân than vãn thêm rằng, số phận anh ta càng thêm bất hạnh vì vụ thu hoạch vừng vừa bị sâu bọ phá hoại. Sau khi người nông dân rời đi, Đức Phật quay sang các nhà sư và nói: “Này quý đạo hữu, các vị có biết mình là người hạnh phúc nhất trên Trái đất không? Các vị không có bò hay vừng để mất”.
Tuy nhiên, sự cố chấp vướng mắc còn sâu sắc hơn sự chiếm hữu đơn thuần. Trong một chiêm nghiệm đặc biệt hữu ích cho thời điểm hiện tại ở Mỹ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: "Nhân loại phải chịu đựng rất nhiều bởi sự cố chấp vướng mắc vào các quan điểm". Cố gắng sống đúng đắn sẽ làm phân tán sự chú ý khỏi những thứ khác trong thời điểm hiện tại. Tương tự, Thiền sư cũng đề cập đến sự vướng mắc với giận dữ và lo lắng, trong đó ông lưu ý rằng, việc lưu giữ những cảm xúc này là hoàn toàn tự nguyện. Hãy để chúng trôi đi; suy cho cùng, chúng chỉ là những ảo ảnh từ quá khứ hoặc tương lai.
Có thể bạn thấy nghịch lý khi một nhà hiền triết tuyên bố “Ta sẽ không bao giờ chết” lại qua đời. Tuy nhiên, không có gì mâu thuẫn ở đây. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã truyền giảng một triết lý nhà Phật rằng, cái chết là một ảo ảnh. Ý thức bắt đầu trước khi sự sống sinh học khởi phát và tiếp tục sau khi nó kết thúc: "Sinh và tử chỉ là một cánh cửa mà chúng ta vào - ra".
Thách thức to lớn, như Thiền sư đã nhận thấy, không phải là sống sau cái chết sinh học của ông hay của bạn. Đó là sống ngay ở hiện tại.
Tuấn Anh(gt)