Cách Thụy Điển giải tỏa tình trạng thiếu binh sĩ

Trong khi nhiều quốc gia châu Âu đối mặt với khó khăn trong việc tuyển binh lính, Thụy Điển lại phải loại bớt, chỉ tuyển những người ưu tú vì có quá nhiều đơn xin nhập ngũ. Năm 2024, có 8.000 thanh niên Thụy Điển đã được tuyển chọn kỹ lưỡng để tham gia các khóa huấn luyện quân sự kéo dài từ 9 đến 15 tháng.

Tại cơ sở huấn luyện “P7” ở Revingehed, miền nam Thụy Điển, khóa huấn luyện tân binh diễn ra khẩn trương, nghiêm túc. Một sĩ quan trẻ hô to: “Phía trước, phía trước!”. Lập tức, hàng chục binh sĩ mặc bộ dã chiến nằm rạp xuống, cúi đầu và tìm các gốc cây để ẩn nấp. Họ quan sát, tìm kiếm “đối tượng” đang thoắt ẩn, thoắt hiện trong rừng cây. Sau đó, một loạt đạn bắn chiu chíu vang lên. Hannes Lärn, sĩ quan phụ trách huấn luyện chiến thuật không rời mắt khỏi đội hình luyện tập cho đến khi bài tập kết thúc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục huấn luyện để giúp họ thuần thục trong các động tác, trước khi họ trở về căn cứ vào tháng 9 tới”, viên sĩ quan nói.

Lính nghĩa vụ giải lao sau giờ huấn luyện tại cơ sở huấn luyện “P7” ở Revingehed, miền Nam Thụy Điển ngày 24-7 vừa qua. Ảnh: Liberation

Lính nghĩa vụ giải lao sau giờ huấn luyện tại cơ sở huấn luyện “P7” ở Revingehed, miền Nam Thụy Điển ngày 24-7 vừa qua. Ảnh: Liberation

Theo Jacob Westberg, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, chế độ nghĩa vụ quân sự từng bị coi là lỗi thời ở Thụy Điển bởi cuộc xung đột vũ trang gần đây nhất trên lãnh thổ nước này đã xảy ra từ gần 200 năm trước. Do vậy, năm 2010, Thụy Điển đã hủy bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự và công việc của lính nghĩa vụ được giao cho các quân nhân chuyên nghiệp. Lực lượng này phải đảm nhiệm các nhiệm vụ như tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.

Tuy nhiên, năm 2018, quốc gia ở bán đảo Scandinavia này đã quay trở lại chế độ nghĩa vụ quân sự, nhưng lựa chọn lính nghĩa vụ có chọn lọc.

Theo quy định của Thụy Điển, tất cả nam, nữ thanh niên ở quốc gia 10,5 triệu dân này đều phải nhập ngũ. Năm nay, có khoảng 110.000 thanh niên nam, nữ ở độ tuổi 18 tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự và trải qua các bài kiểm tra về năng lực và tâm lý. Chỉ có 8.000 người xuất sắc nhất trong số đó được chọn ra để trở thành lính nghĩa vụ, tham gia khóa huấn luyện quân sự kéo dài từ 9 đến 15 tháng, tùy từng vị trí. Binh sĩ sau khi xuất ngũ sẽ tham gia lực lượng dự bị của đất nước trong 10 năm, hoặc cho đến khi bước sang tuổi 47.

Signe, 18 tuổi, từng là vận động viên taekwondo đến từ thị trấn Lund, cách căn cứ “P7” khoảng 20 phút đi tàu. Sau buổi tập, trán của cô lấm tấm mồ hôi khiến lớp sơn ngụy trang màu đen và xanh lá cây chảy xuống mặt và cổ. Giống như hàng nghìn thanh niên Thụy Điển sinh năm 2006, Signe đang trải qua mùa hè và 348 ngày tiếp theo trong quân đội. “Khi nhận được lá thư từ Pliktverket (Cơ quan chịu trách nhiệm tuyển chọn lính nghĩa vụ), tôi tự nhủ rằng đây sẽ là một trải nghiệm thú vị”, Signe cho hay. Giống như các đồng đội, Signe đã trải qua các cuộc sát hạch về thể chất và sức khỏe tâm thần, cũng như kiểm tra IQ và động lực gia nhập quân đội. “Ông nội tôi từng là sĩ quan trong quân đội Thụy Điển và tôi muốn trở thành một người lính như ông mình”, Signe chia sẻ.

Về phần mình, Ida Carlsson, người mới gia nhập trung đoàn Nam Scania hồi tháng 3 và được chọn trở thành chỉ huy trung đội trinh sát nữ đầu tiên trong 13 năm bày tỏ: “Tôi mong ước trở thành lính nghĩa vụ từ khi còn đi học”.

Theo tờ Liberation của Pháp, so với một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu như Đức, Pháp, thì Thụy Điển chưa phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng binh lính. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng nước này từng cảnh báo, việc tuyển lính nghĩa vụ có thể gặp khó khăn trong những năm tới. Do đó, năm 2024, Thụy Điển đã chi khoảng 10 tỷ euro cho ngân sách quốc phòng, gấp đôi so với ngân sách quốc phòng năm 2020. Ngoài việc mua sắm thêm trang thiết bị quốc phòng, Bộ Quốc phòng Thụy Điển có kế hoạch tăng số lượng lính nghĩa vụ từ 8.000 hiện tại lên 14.000 vào năm 2035.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/cach-thuy-dien-giai-toa-tinh-trang-thieu-binh-si-789294