Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời 'Donald Trump 2.0'
Với sự khác biệt lớn về quan điểm so với chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay, chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump được cho là sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh sâu rộng trong nhiều vấn đề quan trọng, tác động sâu sắc tới tình hình thế giới vốn diễn biến phức tạp và khó lường hiện nay.
Tác động lớn tới mối quan hệ với đồng minh cũng như đối thủ
Việc cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 5-11 để trở lại cầm quyền từ tháng 1-2025 chắc chắn sẽ định hình lại chính sách đối ngoại của nước Mỹ, từ mối quan hệ với các đồng minh NATO bên kia bờ Đại Tây Dương cho tới quan hệ với các cường quốc là đối thủ như Nga, Trung Quốc… và nhất là với các cuộc xung đột quy mô lớn tại Ukraine, Trung Đông.
Các đồng minh NATO ở châu Âu hẳn có nhiều lý do để lo lắng khi ông Donald Trump một lần nữa trở lại làm ông chủ Nhà Trắng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên 2016-2020, ông Donald Trump đã khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu phải bất an, đồng thời khiến mối quan hệ đồng minh quan trọng nhất của các thành viên NATO ở cựu lục địa với Washington không ít thời điểm rơi vào tình trạng khó khăn, căng thẳng trước đó chưa từng gặp.
Với chính sách “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump ngay khi mới lên cầm quyền đầu năm 2016 đã liên tục thúc ép các đồng minh NATO ở châu Âu phải tăng ngân sách quốc phòng lên tối thiểu 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - điều mà hầu hết các quốc gia châu Âu đều tìm cách né tránh theo như cam kết với Mỹ. Để gây áp lực, Tổng thống Donald Trum khi đó đã tuyên bố đầy cứng rắn rằng, Mỹ sẽ “khoanh tay đứng nhìn” trong trường hợp những thành viên NATO không nâng chi phí quốc phòng lên ít nhất 2% GDP trong trường hợp bị tấn công.
Với một tỷ phú thực dụng như ông Donald Trump, chắc chắn quan điểm này sẽ không thay đổi dưới thời “chính quyền Donald Trump 2.0” từ tháng 1-2025. Trong bối cảnh đã phải tốn kém khá nhiều để hậu thuẫn cho Ukraine, các thành viên NATO ở châu Âu sẽ phải xoay xở, chắt bóp thêm ngân sách để nâng ngân sách quốc phòng lên nếu không muốn “mếch lòng” chủ nhân tương lai của Nhà Trắng.
Thường xuyên gây căng thẳng, áp lực với các đồng minh ở châu Âu, song ông Donald Trump trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của mình lại thường có những lời lẽ mềm mỏng hơn với Nga và nhất là Tổng thống Vladimir Putin. Ông Donald Trump từ khi tái đắc cử tới nay chưa đưa ra bất cứ phát biểu nào liên quan tới chính sách với đối ngoại với Nga, song vào tháng 9 vừa qua, với tư cách là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại New York, ông Trump đã khẳng định có mối quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Nga. Tổng thống đắc cử Donald Trump khi đó đã nói rằng: “Hai chúng tôi có mối quan hệ rất tốt, và tôi cũng có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Putin”. Tuy nhiên, ông Donald Trump dù nói rằng “có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp” thì Mỹ và Nga trên thực tế vẫn là những đối thủ, cạnh tranh nhau trong nhiều vấn đề quốc tế hệ trọng. Điều này có thể thấy qua nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump. Mối quan hệ Mỹ - Nga được cho đang ở vào giai đoạn thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sẽ khó có cải thiện đáng kể trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump.
Tương tự với Nga, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được cho sẽ tiếp tục trong tình trạng căng thẳng dưới “chính quyền Donald Trump 2.0”. Ông Donald Trump sẽ tiếp tục thi hành những chính sách gây sức ép với Trung Quốc, cường quốc mà Washington xác định là đối thủ lớn nhất cạnh tranh vai trò siêu cường số 1 thế giới.
Ông Donald Trump từng nổi tiếng với tuyên bố sẽ “chấm dứt xung đột tại Ukraine trong vòng 24 giờ” được cho sẽ tập trung ưu tiên để giải quyết 2 cuộc xung đột quy mô lớn tại Ukraine và Trung Đông vốn tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ. Chính quyền sắp tới tại Mỹ sẽ ưu tiên có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để ngăn 2 cuộc xung đột khốc liệt này ảnh hưởng tới môi trường cho sự phát triển kinh tế Mỹ.
Đảo ngược nhiều chính sách quan trọng
Tổng thống đắc cử Donald Trump với những tuyên bố mạnh mẽ trong suốt quá trình tranh cử chắc chắn sẽ đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm. Trong đó có những vấn đề tác động, lan tỏa sâu rộng tới thế giới về kinh tế, môi trường…
Ông Donald Trump trong nhiệm kỳ hai của mình nhiều khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bởi từng không ít lần tuyên bố rằng hệ thống thương mại toàn cầu bị thao túng chống lại lợi ích của Mỹ và khiến Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn, sản xuất bị suy giảm và chuyển việc làm của người Mỹ ra nước ngoài. Tổng thống đắc cử của Mỹ trong cương lĩnh hứa sẽ đưa Mỹ trở lại vị thế “siêu cường sản xuất của thế giới” thông qua “tái cân bằng thương mại” hướng tới sản xuất trong nước.
Ông Donald Trump do đó có thể sẽ sử dụng công cụ thuế quan cứng rắn và rộng hơn, thông qua tăng thuế, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao. Ông đã đề xuất mức thuế khoảng 10% đối với gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài; tăng cường trừng phạt nếu các đối tác thương mại bị cáo buộc thao túng tiền tệ hoặc tham gia vào các hoạt động giao dịch không công bằng khác; sử dụng các biện pháp đáp trả thuế quan tương ứng đối với các đối tác.
Một trong những tác động sâu sắc khác là sự đảo ngược chính sách năng lượng và biến đổi khí hậu của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ đảo ngược các quy định về môi trường mà ông cho là cản trở nền kinh tế và hạn chế sản xuất năng lượng của Mỹ. Theo đó, chính quyền sắp tới tại Mỹ có thể sẽ triển khai những hành động bao gồm đẩy mạnh khai thác dầu khí: với khẩu hiệu “khoan, khoan nữa, khoan mãi” nhằm tăng sản lượng dầu, đảo ngược các quy định hạn chế của chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay.
Chính sách quan trọng khác sẽ đảo ngược dưới thời chính quyền Donald Trump sắp tới là về nhập cư. Đây vừa là chính sách đối nội, song cũng liên quan trực tiếp tới chính sách đối ngoại của Mỹ. Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ ưu tiên bảo vệ biên giới, theo đuổi việc xây dựng thêm hàng rào dọc biên giới Mỹ - Mexico và tăng cường thực thi các luật di dân hiện hành. Nhiều khả năng ông sẽ áp dụng các chính sách thị thực nghiêm ngặt hơn, đặc biệt nhằm hạn chế nhập cư từ các khu vực liên quan đến khủng bố hoặc từ các quốc gia mà ông coi là đối thủ kinh tế. Các hiệp định thương mại với Mexico và một số quốc gia khác có thể bao gồm các điều khoản liên quan đến kiểm soát di cư và hợp tác an ninh biên giới.