'Cách tiếp cận phối hợp' của ASEAN là phản ứng tốt nhất để đối mặt với thuế quan mới từ Mỹ
Các nhà phân tích cho biết, cách tiếp cận phối hợp thực hiện bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với thuế quan thương mại mới của Mỹ là cách tiếp cận thực tế nhất cho các quốc gia thành viên trong khu vực.

Thuế quan mới của Mỹ gây ra biến động lớn trên thị trường toàn cầu. Ảnh minh họa: Báo Lào Cai Điện tử
Theo đó, việc thống nhất lên tiếng để khẳng định những mối quan tâm chung của khối, cùng lúc vẫn cho phép các quốc gia thành viên đàm phán riêng dựa trên lợi ích của từng nước nhằm duy trì đối thoại và tránh leo thang căng thẳng thương mại là điều rất quan trọng và đáng hoan nghênh.
Ngoài ra, quyết định của ASEAN về việc không áp dụng các biện pháp trả đũa đối với thuế quan mới của Mỹ cũng phản ánh đánh giá thực tế về các ưu tiên của khối khu vực.
Bà Joanne Lin, nghiên cứu viên cao cấp và đồng điều phối viên của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) ở Singapore cho biết: “Phản ứng củaASEAN đối với thuế quan của Mỹ đã được cân nhắc để đàm phán thay vì đối đầu, nhưng điều đó không có nghĩa là khu vực này quá mềm mỏng”.
Bà Joanne Lin thông tin thêm rằng về sức mạnh đàm phán, sức mạnh của ASEAN không nằm ở sức mạnh kinh tế mà nằm ở tầm quan trọng chiến lược của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đại diện cho thị trường hơn 670 triệu dân và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Là một khối khu vực, ASEAN chắc chắn có thể định hình câu chuyện, đặc biệt là bằng cách tái khẳng định các nguyên tắc của trật tự kinh tế dựa trên luật lệ và sự cởi mở trong thương mại. Tuy nhiên, dưới thời của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi nước này ủng hộ các thỏa thuận song phương, giao dịch, cách tiếp cận thực tế nhất của ASEAN là một cách tiếp cận kết hợp, đơn cử như nói lên tiếng nói chung để nêu bật những mối quan tâm chung, song vẫn cho phép các quốc gia thành viên thực hiện đàm phán riêng lẻ dựa trên lợi ích của mỗi nước”, bà Joanne Lin khẳng định.
Các chuyên gia cho biết thêm rằng đây là lập trường tốt nhất cần thực hiện khi xét đến những bước tiến khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã tạm dừng áp thuế đối ứng cho các nước, ngoại trừ Trung Quốc trong 90 ngày.
Được biết, phản ứng của ASEAN đã thu hút sự chú ý khi một số quốc gia trong khối bất ngờ bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan mới của Mỹ. Trong đó, khối cho biết sẽ không áp dụng bất kỳ biện pháp trả đũa nào để đáp trả hàng loạt mức thuế quan do Mỹ áp đặt, mặc dù các quốc gia rất lo ngại về những diễn biến này.
Nhóm các quốc gia Đông Nam Á cũng thông tin rằng họ có ý định chung là tham gia vào một cuộc đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng với Mỹ để giải quyết các mối quan ngại liên quan đến thương mại. Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố chung của ASEAN sau cuộc họp đặc biệt mới nhất rằng giao tiếp cởi mở và hợp tác sẽ rất quan trọng để đảm bảo mối quan hệ cân bằng và bền vững. Với tinh thần đó, ASEAN cam kết không áp dụng bất kỳ biện pháp trả đũa nào để đáp trả thuế quan của Mỹ.
Chia sẻ với phóng viên CNA, một số chuyên gia trước đây đã nói, hoàn cảnh thương mại khác nhau của các nước được dự đoán sẽ mang tính xây dựng hơn nếu các quốc gia thành viên đàm phán trực tiếp với Washington.
Trong trường hợp đàm phán với Mỹ không thành công, các nước ASEAN sẽ cần phải đa dạng hóa hơn nữa thị trường xuất khẩu của mình. Cụ thể, bên cạnh việc tăng cường quan hệ thương mại và thúc đẩy xuất khẩu với các đối tác chính như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh, hoạt động thương mại nội khối ASEAN sâu rộng hơn chính là những lựa chọn thay thế quan trọng.
Để giảm thiếu tác động rộng hơn do thuế quan mới của Mỹ gây ra, ASEAN nên tiếp tục đầu tư vào hội nhập kinh tế khu vực, tăng cường chuỗi cung ứng nội bộ, cải thiện cơ sở hạ tầng và hài hòa hóa các quy định để tăng sức hấp dẫn của mình như một cơ sở sản xuất đa dạng và kiên cường…