Cách tính giá xăng dầu lạc hậu khiến doanh nghiệp bán cầm chừng?
Dù giá xăng dầu liên tiếp giảm, tình trạng cây xăng đóng cửa, bán cầm chừng, bán với số lượng giới hạn, thông báo hỏng cột bơm… vẫn diễn ra. Vấn đề ở đây là gì?
Điều hành giá xăng dầu bị lỗi nhịp
Bộ Công Thương khẳng định không thiếu xăng dầu, luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo đáp ứng đầy đủ nguồn cung xăng dầu từ nay đến cuối năm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống bán lẻ xăng dầu, phát hiện nhanh tình trạng găm hàng, nghỉ bán và xử lý nghiêm các vi phạm, không để tình trạng cửa hàng bán lẻ thiếu xăng dầu, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân.
Tuy nhiên, không chỉ trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu tăng, mà ngay khi giá các mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh giảm, thị trường bán lẻ xăng dầu vẫn tiếp tục chứng kiến cảnh nhiều cây xăng đóng cửa, hoặc treo biển hết hàng, nghỉ bán, hoặc chỉ bán cầm chừng, giảm/bỏ cột bơm… trong những ngày gần đây.
Đến lúc cần phải làm rõ những yếu tố bất cập ảnh hưởng tới thị trường phân phối/bán lẻ xăng dầu, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Về tình trạng giá dầu cao hơn giá xăng thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng dầu diesel có vai trò rất quan trọng, hầu hết các máy móc nông nghiệp đều chạy bằng dầu, hay trong các ngành dịch vụ logictic. Với việc giá dầu tăng cao, áp lực lên đầu vào của các ngành kinh tế là rất lớn.
Thời gian qua, giá dầu diesel tăng cao hơn giá xăng, trở thành mặt hàng khan hiếm ngay cả trên thế giới. Giá bán ra trên thị trường đang thấp hơn 2000 đồng/lít so với giá nhập khẩu từ Singapore, bởi vậy doanh nghiệp càng bán càng lỗ nên họ tìm cách ghìm giá bán, nhiều nơi không còn dầu diesel để bán.
Đơn vị bán hàng, về nguyên lý bán càng nhiều thì càng có lãi. Nhưng các cửa hàng xăng dầu đang có tình trạng bán cầm chừng, dù giá xăng dầu đang thấp. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên nhân tình trạng này là do điều hành giá xăng dầu bị lỗi nhịp. Chu kỳ hay tần suất điều chỉnh giá theo Nghị định 84 là 30 ngày, Nghị định 83 là 15 ngày và Nghị định 95 sửa đổi còn 10 ngày. Tuy 10 ngày điều chỉnh 1 lần nhưng giá xăng dầu trong nước lại không theo kịp với giá thế giới. Chính sự không bắt nhịp giữa giá trong nước và giá thế giới dẫn đến cứ mỗi lần giá xăng dầu thế giới tăng hay giảm thì hiện tượng găm hàng lại xảy ra.
Nguyên nhân quan trọng là giá trong nước không theo kịp giá thế giới. Mà giá do nhà nước quy định, nếu chúng ta điều hành nhịp nhàng cùng với đà tăng giảm của giá xăng dầu thế giới thì chắc chắn hiện tượng găm hàng không xảy ra.
Theo TS Đinh Trọng Thịnh, xăng dầu là mặt hàng chiến lược phục vụ sản xuất kinh doanh nên nhà nước nắm quyền điều chỉnh giá. Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu rút ngắn từ 1 tháng còn 10 ngày. Kinh doanh xăng dầu khác biệt với các ngành khác, theo thông lệ quốc tế, mua bán xăng dầu phải theo kỳ hạn, tối thiểu là 1 tháng, sau đó đến 3 tháng, 6 tháng. Các doanh nghiệp đầu mối khi đặt mua của doanh nghiệp đầu mối nước ngoài, họ phải ký kết hàng tháng trước đó. Do vậy, giá nhập về khác xa giá thực tế đang bán trên thị trường.
Do vậy, giá trong nước và giá nhập về luôn không trùng khớp với nhau, có thể doanh nghiệp mua giá cao nhưng phải bán giá thấp, hoặc có thể mua với giá thấp nhưng bán với giá cao. Ngay cả bán với giá cao hơn, họ cũng sẽ bán cầm chừng vì nghĩ rằng giá có thể sẽ còn cao nữa. "Biến động này còn kéo dài", TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Càng bán càng lỗ vì cách tính lạc hậu?
Thực trạng các cây xăng bán cầm chừng, nhỏ giọt rõ ràng thể hiện đứt gãy nguồn cung trong khâu nào đó. Theo TS Đinh Trọng Thịnh, trong cơ chế phân chia lợi ích và cách tính giá cơ sở xăng dầu, ngay cả ở doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ đang có vấn đề. Cơ chế phân chia lợi nhuận định mức cũng có những tồn tại. Cách tính này đã duy trì 7-8 năm đến nay không thay đổi dù giá thị trường thay đổi rất nhiều.
Rõ ràng với cơ chế tính giá như vậy, doanh nghiệp đầu mối lẫn doanh nghiệp bán lẻ đều gặp khó khăn, họ càng bán càng lỗ thì không muốn bán nhiều. Nhưng đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên họ buộc phải bán, nên họ tìm cách đối phó như giảm cột bơm, bán theo định mức.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng điều đáng nói nằm trong công thức giá, vì chúng ta vẫn áp dụng công thức từ năm 2014, chưa rà soát lại để điều chỉnh. Mà từ 2014 đến nay, lạm phát, chi phí vận tải gia tăng, chi phí tỉ giá, lãi suất đã thay đổi. Đặc biệt có những phụ phí thực tế của doanh nghiệp đã tăng nhưng chưa được điều chỉnh dẫn đến việc tính thiếu cho các doanh nghiệp.
Giải pháp để bình ổn thị trường, ngoài việc quản lý thì phải tước giấy phép vĩnh viễn các doanh nghiệp có sai phạm. Hạn chế tình trạng rút giấy phép xong rồi cấp lại ngay. Nếu phạt cho tồn tại như vậy, không kiểm tra giám sát doanh nghiệp đã khắc phục chưa thì tình trạng này sẽ còn tái diễn tiếp tục trong tương lai.
Chúng ta cần có quá trình chuẩn bị kỹ càng để việc rút giấy phép doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu không làm ảnh hưởng đến thị trường. Các doanh nghiệp bán lẻ có quyền mua của các đầu mối khác. Nếu chỉ rút giấy phép tạm thời thì phải có quá trình thanh kiểm tra nghiêm ngặt xem sai phạm đã khắc phục chưa, khắc phục đến đâu. Không để tình trạng như hiện nay, vì lo rút giấy phép của doanh nghiệp đầu mối thì không đảm bảo nguồn cung cho thị trường nên lập tức cấp phép lại. Doanh nghiệp lặp lại sai phạm thì phải bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn.