Cách tính 'lương tháng 13' người lao động cần biết để tránh bị mất quyền lợi

Người lao động luôn quan tâm tới thưởng Tết hay 'lương tháng 13'. Vậy, cách tính 'lương tháng 13' thế nào và thu nhập này có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về định nghĩa thưởng Tết hay "lương tháng 13". Tuy nhiên, trong hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có thể ký kết thỏa thuận về việc hưởng "lương tháng 13" hay cách tính toán thưởng Tết dựa trên mức lương, vị trí việc làm, chức danh công việc, hiệu quả làm việc trong năm, tình hình kinh doanh của công ty… Có thể nói, "lương tháng 13" là cách gọi nhằm nói đến khoản tiền thưởng trong dịp Tết dành cho người lao động.

"Lương tháng 13" là cách gọi nhằm nói đến khoản tiền thưởng trong dịp Tết dành cho người lao động. (Ảnh minh họa)

"Lương tháng 13" là cách gọi nhằm nói đến khoản tiền thưởng trong dịp Tết dành cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp phải trả "lương tháng 13" cho người lao động khi doanh nghiệp đã ban hành quy chế thưởng hợp pháp, công bố công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc và người lao động đáp ứng đủ các điều kiện thưởng Tết trong quy chế thưởng đã được công bố đó.

Người lao động cần biết cách tính "lương tháng 13", cụ thể trong các trường hợp như sau:

Nếu người lao động đã làm việc đủ 12 tháng thì tiền "lương tháng 13" được tính bằng mức bình quân của 12 tháng lương trong năm. Cụ thể: Lương tháng 13 = Tiền lương trung bình 12 tháng trong năm.

Nếu người lao động không làm đủ 12 tháng thì tiền "lương tháng 13" được tính tương ứng với số tháng làm việc trong năm. Cụ thể: Lương tháng 13 = (Số tháng làm việc trong năm/12) x Tiền lương trung bình 12 tháng trong năm.

Trường hợp đặc biệt, đối với người lao động có đóng góp đáng kể, cách tính "lương tháng 13" tùy thuộc vào đặc điểm của từng công ty. Thưởng Tết có thể thưởng bằng tiền, hiện vật hoặc bằng các hình thức khác nhau. "Lương tháng 13" được xem là nội dung nằm trong chính sách phúc lợi của doanh nghiệp, đồng thời thể hiện sự chia sẻ, động viên của doanh nghiệp đối với người lao động sau một năm đồng hành, cống hiến hết mình cho công việc.

Vậy, khi nhận khoản thu nhập "lương tháng 13", người lao động có phải đóng thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội hay không?

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012) có quy định tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công được xem là khoản thu nhập chịu thuế. Chính vì vậy, khi nhận tiền "lương tháng 13", người lao động phải có trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân, nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Căn cứ vào Thông tư 59/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (được sửa đổi bởi Thông tư 06/2021) có quy định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động,... Như vậy, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội khi nhận "lương tháng 13".

Ngọc Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cach-tinh-luong-thang-13-nguoi-lao-dong-can-biet-de-tranh-bi-mat-quyen-loi-289776.html