Cách tính mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại
Luật Thương mại đề cao nguyên tắc tự do, tự thỏa thuận trong hoạt động thương mại, trong đó bao gồm việc thỏa thuận về mức phạt vi phạm và phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Mức 8% là mức phạt tối đa mà Nhà nước đặt ra để bảo đảm tối ưu quyền lợi hợp pháp của các bên.
Điều 301 Luật Thương mại quy định: "Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này".
Bà Nguyễn Thị Đức (Nghệ An) hỏi, 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm có phải là hợp đồng gồm 2 phần: phần không vi phạm và phần vi phạm? Hay có thể tính từng phần riêng lẻ và xét không quá 8% của từng phần riêng lẻ đó?
Ví dụ: Hợp đồng gồm cấp 10 máy in x 10 triệu đồng/máy và 10 máy tính x 20 triệu đồng/máy. Hợp đồng quy định nhà thầu cấp hàng chậm sẽ bị phạt 1% cho 1 ngày cấp hàng chậm cho đến mức 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Nhà thầu cấp hàng 5 máy in chậm 5 ngày; 5 máy tính chậm 100 ngày. Tính phạt trong trường hợp này như sau:
Giá trị hợp đồng phần bị vi phạm là: 5 máy in x 10 triệu đồng + 5 máy tính x 20 triệu đồng = 150 triệu đồng;
8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm là 150 triệu đồng x 8% = 12 triệu đồng;
Số tiền phạt tính theo ngày chậm: 5 máy in x 10 triệu đồng x 5 ngày x 1% + 5 máy tính x 20 triệu đồng x 100 ngày x 1% = 102,5 triệu đồng.
Vậy, số tiền phạt sẽ tính là 8% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm = 12 triệu đồng có đúng không?
Bộ Công Thương trả lời vấn đề này như sau:
Luật Thương mại đề cao nguyên tắc tự do, tự thỏa thuận trong hoạt động thương mại, trong đó bao gồm việc thỏa thuận về mức phạt vi phạm và phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Mức 8% là mức phạt tối đa mà Nhà nước đặt ra để bảo đảm tối ưu quyền lợi hợp pháp của các bên.
Do vậy, quyền thỏa thuận vẫn được trao cho các bên đối với mức phạt giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm nhưng không quá 8%.