Cách tính tiền lương một giờ, tiền lương làm thêm giờ của giáo viên hiện nay

Hiện nay có khá nhiều nơi thiếu giáo viên, nếu giáo viên vượt định mức thì phải được trả tăng giờ theo đúng quy định.

Hiện nay, quy định tính tiền tăng giờ của giáo viên theo nguyên tắc quy định số tiết dạy định mức trong một năm, nếu thực hiện vượt số tiết trên thì sẽ được hưởng tăng giờ theo quy định của nhà nước.

Số tuần thực dạy trong năm học 2020-2021 và dự định trong các năm về sau là 35 tuần.

Như vậy định mức giảng dạy của giáo viên tiểu học thực dạy 23 tiết/tuần x 35 tuần sẽ là 805 tiết/năm học; định mức giảng dạy của giáo viên trung học cơ sở thực dạy 19 tiết/tuần x 35 tuần sẽ là 665 tiết/năm học; định mức giảng dạy của giáo viên trung học phổ thông thực dạy 17 tiết/tuần x 35 tuần sẽ là 595 tiết/năm học.

Trong bài viết này, tôi tiếp tục phân tích về cách tính tiền lương một giờ của giáo viên, tiền lương 1 giờ dạy thêm dùng để tính dư giờ, vì hiện nay có khá nhiều nơi thiếu giáo viên, nếu giáo viên vượt định mức thì phải được trả tăng giờ theo đúng quy định, không thể trả theo cảm tính hoặc trả thấp hơn quy định của nhà nước.

Chế độ trả lương làm thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Theo đó, công thức tính tiền lương 1 giờ dạy đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên cơ sở dạy nghề được tính như sau:

Tiền lương 1 giờ dạy = (Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học/Định mức giờ dạy trên năm) x (Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần).

Lưu ý: Tổng tiền lương ở đây là lương tham gia đóng bảo hiểm xã hội, do đó, tiền lương được tính bằng công thức:

Tiền lương 12 tháng = (Hệ số lương + hệ số phụ cấp chức vụ (nếu có) + hệ số phụ cấp thâm niên (nếu có) + hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)) x mức lương cơ sở x 12 tháng.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Lã Tiến)

Định mức giờ dạy trên năm là số giờ dạy 1 tuần x 52 tuần. Ví dụ giáo viên tiểu học thì định mức giờ dạy trên năm là 23 tiết/ tuần x 52 tuần là 1196 tiết; giáo viên trung học cơ sở là 19 x 52 là 988 tiết; giáo viên trung học phổ thông là 17 x 52 là 884 tiết.

Ví dụ một giáo viên A đang dạy bậc trung học cơ sở giữ chức vụ tổ trưởng có hệ số lương 4,65, được hưởng phụ cấp chức vụ là 0,2; được hưởng phụ cấp thâm niên 25% thì tiền lương 1 giờ hiện nay được tính bằng công thức = ((4,65 + 0,2 + 0,25) x 1,490,000 x 12)/(19 x 52) vậy tiền lương một giờ của giáo viên trên sẽ là 92,295 đồng.

Tuy nhiên, việc tính giờ làm thêm sẽ là tiền lương một giờ x 150% nên tiền lương 1 giờ dùng để tính dạy thêm một tiết sẽ là 92,295 x 1.5 là 138,443 đồng. Nếu dạy vượt định mức bao nhiêu tiết sẽ nhân với số tiền một tiết trên.

Ví dụ giáo viên trên, trong một năm học giảng dạy 720 thì số tiết dư giờ là 720 – 665 = 55 tiết, sẽ được nhận số tiền 55 x 138,443 là 7,614,365 đồng/ năm học.

Dưới đây là bảng chi tiết tiền tăng giờ của giáo viên tiểu học hạng IV, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III

Giáo viên tiểu học hạng IV

Đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III

Đối với giáo viên trung học phổ thông hạng III

Trên đây là bảng lương tham khảo cách tính tiền lương 1 giờ, tiền lương 1 giờ làm thêm (tiền lương 1 giờ x 150%) của giáo viên tiểu học hạng IV, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III. Trong tùy trường hợp cụ thể sẽ áp dụng công thức đã nêu ở trên để tính.

Các giáo viên các hạng khác tham khảo cách tính ở trên.

BÙI NAM

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cach-tinh-tien-luong-mot-gio-tien-luong-lam-them-gio-cua-giao-vien-hien-nay-post213342.gd