Cách Trung Quốc thần tốc xây đập thủy điện lớn thứ hai thế giới
Theo nhóm kỹ sư đứng đầu dự án xây đập Bạch Hạc Than, điều làm nên sự khác biệt là việc áp dụng rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Cao gần 300m, sử dụng hơn 8 triệu mét khối bê tông, đập thủy điện Bạch Hạc Than tọa lạc tại vùng thượng nguồn sông Dương Tử dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp đủ điện năng không chỉ cho nhiều nhà máy, xí nghiệp và hộ dân xung quanh 2 tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam của Trung Quốc, mà còn đủ năng lượng để cung cấp cho tỉnh Giang Tô nằm cách đập 2.000km về phía đông.
Nhưng điều khiến giới chuyên gia phải kinh ngạc về Bạch Hạc Than không nằm ở công suất hoạt động của nó, mà là về việc chính quyền Trung Quốc đã xây dựng đập thủy điện này chỉ trong 4 năm bất chấp những khó khăn trở ngại về kỹ thuật, cũng như địa thế hiểm trở tại khu vực xây dựng.
“Theo tôi, đây là dự án thủy điện mang tính thử thách nhất từ trước tới nay. Ngay cả đập Tam Hiệp ở vị trí hạ nguồn và có nhiều thuận lợi hơn, cũng phải mất tới 8 năm để có thể hoàn thành. Tam Hiệp vẫn là đập thủy điện lớn nhất thế giới, còn Bạch Hạc Than chỉ xếp thứ hai. Nhưng quá trình xây dựng Bạch Hạc Than phức tạp hơn rất nhiều”, GS Đặng Kiến Huy, Học viện thủy điện thủy lợi thuộc ĐH Tứ Xuyên nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
“Kể từ khi đập Tam Hiệp hoàn thành, công tác xây dựng thủy điện ở Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ. Và đập Bạch Hạc Than là ví dụ mới nhất, cũng có thể coi là tốt nhất của việc xây thủy điện ở Trung Quốc”, ông Đặng nói thêm.
Nhưng theo tờ SCMP, nhiều lo ngại đã xuất hiện kể từ khi đổ xi măng xây dựng đập này tiến hành hồi 2017, bởi áp lực phải hoàn thành đúng tiến độ trong 4 năm có thể khiến chất lượng xây dựng đập này không đảm bảo. Dịch Covid-19 hồi năm ngoái cũng khiến tốc độ xây dựng bị chậm lại.
Theo nhóm kỹ sư đứng đầu dự án xây dựng đập Bạch Hạc Than, điều làm nên sự khác biệt của dự án này là việc áp dụng rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Gần như tất cả các bộ phận có liên quan, từ công nhân trên công trường đến kỹ sư, các thanh tra chất lượng công trình và quản lý cấp cao, đều được điều hành bởi một hệ thống AI.
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc hồi tháng Ba, nhóm dự án do kỹ sư Đàm Nghiêu Thăng đứng đầu cho biết, công nghệ AI đã “cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động và lập nên kỷ lục thế giới về xây dựng đập vòm”, tức là một đập bê tông được uốn cong.
Theo ông Đàm, dưới sự quản lý của con người, thì việc để tình trạng quá nhiều xe tải dồn về một chỗ đổ xi măng có thể dẫn đến việc xếp hàng chờ đợi lâu, từ đó sẽ gây ra sự chậm trễ trong tiến độ xây dựng. Và để khắc phục vấn đề này, hệ thống AI đã sử dụng định vị của vệ tinh và mạng 4G để hướng dẫn cho các lái xe cần biết đi về đâu hay vào lúc nào.
“Sự cố trong việc xây dựng rất hiếm khi xảy ra, bởi hệ thống AI sẽ đưa ra cảnh báo sớm và chuyển thông tin đến nhân viên quản lý tại mỗi điểm, để đề phòng những sự cố phát sinh nghiêm trọng hơn”, ông Đàm và các đồng nghiệp cho biết.
Các vết nứt là một trong những điều tồi tệ nhất đối với đập thủy điện, và chúng có thể xảy ra trong quá trình xây dựng, bởi khi xi măng gặp nước, nó sẽ giải phóng ra một lượng nhiệt lớn. Nếu nhiệt độ ở các phần khác nhau có thay đổi, vết nứt sẽ xuất hiện. Nhưng theo ông Đàm, nhờ sử dụng công nghệ AI trong quá trình trộn, đổ và làm nguội xi măng, các thanh tra chất lượng công trình sẽ không tìm thấy bất kỳ vết nứt nào trên công trình.
“Việc sử dụng công nghệ AI để xây dựng đập thủy điện khá hợp thời, nhưng tầm quan trọng của nó không nên được phóng đại. Yếu tố con người vẫn là số 1. Cỗ máy thông minh có thể nâng cao hiệu quả công việc, nhưng nó không thể thay thế cho sự chăm chỉ hay cần cù của con người. Phụ thuộc vào công nghệ AI quá nhiều có thể làm sản sinh ra cái ‘cảm giác an toàn sai lệch’”, một chuyên gia thủy điện giấu tên làm việc tại ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc nói với tờ SCMP.
Giới truyền thông Trung Quốc cho biết, hồ chứa đập thủy điện Bạch Hạc Than đã bắt đầu trữ nước từ hôm 6/4. Dự kiến, tổng công suất thủy điện của Bạch Hạc Than sẽ vào khoảng 16.000 MW, tức 16 triệu KW.