Cách tự kiểm tra, phát hiện sớm ung thư tại nhà
Ung thư là bệnh có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, yếu tố sống còn của bệnh nhân ung thư là phát hiện và điều trị sớm.
Ung thư vẫn là mối lo của nhiều người, nhiều quốc gia. Tuy nhiên, người mắc ung thư không phải nhận án tử. Đa phần bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm. Do đó, việc lắng nghe cơ thể, phát hiện những bất thường là điều rất quan trọng.
Dưới đây là một số cách phát hiện sớm ung thư tại nhà. Tuy nhiên, gặp những vấn đề này không có nghĩa 100% bạn bị ung thư. Nếu nghi ngờ, bạn nên tới các bệnh viện uy tín để tầm soát và làm các xét nghiệm khẳng định, cho kết quả chính xác nhất.
Ung thư vú
Năm 2020, theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư vú đã vượt qua ung thư phổi, trở thành bệnh phổ biến nhất và chiếm gần 12% số ca mắc mới mỗi năm trên toàn cầu.
Ung thư vú không phải bệnh của riêng nữ giới. Nam giới cũng có nguy cơ mắc ung thư vú. Thậm chí nam giới thường bỏ qua các khối u trên vú, ngực. Theo tiến sĩ, bác sĩ Marleen Meyers, Trung tâm Ung thư Perlmutter NYU, Mỹ, đây chính là lý do phái mạnh dễ phát hiện mắc ung thư vú ở giai đoạn muộn.
Tài liệu của Thư viện Quốc gia Mỹ đưa ra hướng dẫn tự kiểm tra khối u bất thường tại nhà, cảnh báo ung thư vú ở phụ nữ như sau:
- Đầu tiên, bạn nằm ngửa, đặt tay phải ở sau đầu. Cùng lúc, ngón giữa của tay trái ấn nhẹ nhàng nhưng dứt khoát theo chuyển động nhỏ để kiểm tra toàn bộ vú bên phải.
- Tiếp theo, bạn ngồi hoặc đứng và cảm nhận vùng nách. Đây là khu vực mô vú đi vào.
- Nắn nhẹ đầu ngực và kiểm tra có bị tiết dịch không.
- Lặp lại động tác với ngực trái.
Bạn cũng nên dành thời gian quan sát ngực để phát hiện những thay đổi trong kết cấu da như lõm, nhăn nheo, sần vỏ cam hoặc tụt vào trong.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư vú còn gặp phải các triệu chứng như dày hoặc sưng một phần vú; kích ứng hoặc bị lõm da vú; đỏ, bong tróc vùng núm vú, ngực; tụt núm, đau đầu ngực; núm vú tiết dịch trắng hoặc hồng, đỏ như máu; thay đổi về kích thước hoặc hình dạng bầu ngực; đau tức bất kỳ vùng nào trên ngực.
Ung thư phổi
Ung thư phổi chia làm 2 nhóm: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, 80-85% là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, vì vậy tiên lượng còn xấu.
Theo Emma Norton, Cố vấn chuyên khoa Ung thư tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Bupa (Anh), chúng ta nên chú ý tới hình dạng của ngón tay trỏ để phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi.
Huffington Post dẫn lại bài kiểm tra mà bà Emma đưa ra như sau: Đặt hai tay song song trước mặt, sau đó, chạm đầu móng tay trỏ vào nhau (như hình bên dưới). Bình thường, bạn sẽ thấy hình ảnh khoảng trống (cửa sổ) dạng viên kim cương Schamroth.
Nếu móng tay của bạn không tạo ra hình này, nó báo hiệu lượng oxy lưu thông trong máu không đủ. Đây là dấu hiệu sớm của các bệnh tim mạch như suy tim, động mạch vành hoặc ung thư phổi. Trong một số trường hợp, bệnh nhân xơ gan, viêm đường ruột cũng có dấu hiệu này.
Hình dạng ngón tay Schamroth như Emma miêu tả thường được gọi là ngón tay dùi trống hay dùi đục. Ngón tay Schamroth lần đầu tiên được phát hiện bởi Hippocrates. Trong đó, các ngón tay hoặc ngón chân mang hình dạng thìa úp ngược. Tình trạng này xảy ra do tích tụ mô ở phần xa ngón tay, khiến đầu móng tay bị to ra và cong xuống.
Theo Cancer Research UK, ngón tay Schamroth xuất hiện tùy theo tình hình sức khỏe. Bác sĩ Richard Roope, Trưởng khoa lâm sàng Ung thư của Đại học Hoàng gia Đa khoa khuyến cáo những người trên 40 tuổi nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của móng tay, đặc biệt là chụp X-quang ngón út.
Ngoài dấu hiệu của ngón tay dùi trống, chúng ta nên chú ý tới những cảnh báo của ung thư phổi như ho kéo dài, ho ra máu, mệt mỏi, thiếu năng lượng thường xuyên, đau, co thắt ngực khi thở hoặc ho, biếng ăn, giảm cân bất thường, đau ngực và vai dai dẳng…
Theo tiến sĩ Eric Presser, bác sĩ phẫu thuật, thành viên của First California Physician Partners, nguyên nhân của hiện tượng trên chưa được tìm ra. Các chuyên gia đặt giả thuyết có thể một số bệnh mạn tính khiến các mạch máu ở móng tay giãn ra và kích hoạt trạng thái cong của nó.
Ngoài cách tự kiểm tra hai bệnh ung thư trên, tài liệu của Johns Hopkins Medicine, chúng ta cũng cần lưu ý 5 triệu chứng cảnh báo sớm như: Giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân; mệt mỏi kéo dài; sốt cao nhiều ngày không tìm ra lý do; đau đớn dài ngày; sắc tố, làn da thay đổi.
Nếu ung thư chuyển sang giai đoạn cuối (di căn), các khối u đã xâm lấn những bộ phận lân cận, gây nhiều tổn thương. Lúc này, việc điều trị là rất khó khăn và khó chữa khỏi dứt điểm, bệnh dễ tái phát. Do đó, ngay khi thấy cơ thể có những dấu hiệu trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn cụ thể, phòng chống, ngăn ngừa.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-tu-kiem-tra-phat-hien-som-ung-thu-tai-nha-post1201218.html