Cách ứng đáp 7 câu hỏi tình huống thường gặp khi phỏng vấn

Khi đi phỏng vấn xin việc, hầu hết các ứng viên đều khá lo sợ những câu hỏi tình huống. Loại câu hỏi này có mục đích tìm hiểu cách bạn sẽ phản ứng với một tình huống cụ thể trong quá trình làm việc.

Câu trả lời của bạn sẽ thể hiện phần nào tính cách và những kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm... Do đó, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ càng và một phong thái tự tin để tạo ấn tượng với người phỏng vấn.

Để giúp bạn có sự chuẩn bị tốt, dưới đây là 7 câu hỏi tình huống phổ biến nhất, dù là bạn đang tham gia các buổi tuyển dụng nhân sự tiếng Nhật hay bất cứ ngành nghề nào khác.

Hãy kể về một lần mâu thuẫn giữa bạn và đồng nghiệp, và cách bạn giải quyết tình huống đó

Nơi làm việc bao gồm nhiều người với nhiều kiểu tính cách và phong cách làm việc khác nhau. Vì thế, những hiểu lầm, bất đồng quan điểm là không thể tránh khỏi. Với câu hỏi này, người phỏng vấn muốn biết bạn sẽ ứng xử thế nào trước những khúc mắc đó, bất kể độ nghiêm trọng hay lỗi thuộc về ai.

Bạn nên trả lời theo một trình tự logic: nguyên nhân mâu thuẫn, cách bạn tiếp cận đối phương, bạn đã đi đến thỏa hiệp chưa… Đặc biệt, hãy nhớ luôn tập trung vào mặt tích cực của vấn đề. Người phỏng vấn sẽ có cảm tình với ứng viên biết suy nghĩ thấu đáo, nhìn nhận từ góc độ của đồng nghiệp và biết kiểm soát cảm xúc của bản thân.

Hãy kể về một lần/ cách bạn làm việc hiệu quả dưới áp lực

Nếu bạn đang ứng tuyển vào một công việc có mức độ căng thẳng cao, người phỏng vấn sẽ muốn biết khả năng làm việc dưới áp lực của bạn. Câu trả lời hoàn chỉnh cần bao gồm một ví dụ cụ thể về cách bạn kiểm soát công việc trong một tình huống áp lực. Bạn phân bổ thời gian thế nào? Bạn có cân bằng được giữa công việc và đời sống cá nhân không? Sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn lúc đó ra sao?...

Với câu hỏi này, kết quả là quan trọng nhưng việc bạn thể hiện được cả quá trình làm việc cũng quan trọng không kém. Bởi khi đối mặt với áp lực, một lần đi chệch hướng của bạn có thể ảnh hưởng tới năng suất chung.

Hãy kể về một thử thách mà bạn đã vượt qua hoặc gặp phải

Bất kể vai trò của bạn là gì, sẽ luôn có những thách thức bạn cần đối mặt. Người phỏng vấn muốn xem tâm thế của bạn thế nào và cách bạn thích nghi trước các tình huống khó khăn khi chúng phát sinh.

Nếu bạn cảm thấy mình chưa trải nghiệm một thử thách nào thực sự lớn, hãy chọn một tình huống mang lại cho bạn nhiều sự phát triển con người nhất và bạn dành nhiều thời gian, công sức cho nó nhất. Hãy chia sẻ từng bước về cách bạn đã dùng và tại sao nó thành công.

Hãy kể về một lần bạn mắc lỗi và cách bạn sửa chữa nó

Không ai hoàn hảo cả và tất cả chúng ta đều mắc sai lầm. Người phỏng vấn quan tâm đến cách bạn đối mặt và sửa chữa lỗi của mình hơn là thực tế bạn đã mắc lỗi. Với câu hỏi tình huống này, bạn cần nhận trách nhiệm về sai sót của bản thân, cho thấy bạn đã cố gắng hết sức để sửa sai và đảm bảo điều đó không xảy ra lần nữa.

Cách bạn tạo động lực cho đồng nghiệp

Bạn có phải là một người biết truyền cảm hứng không? Bạn có khả năng lan tỏa sự tích cực không? Bạn làm thế nào để thúc đẩy tinh thần mọi người xung quanh? Ở câu hỏi này, người phỏng vấn đang tìm kiếm ví dụ cụ thể cho thấy tố chất lãnh đạo ở bạn. Thế nên đây là lúc bạn nói về cách bạn lan tỏa tinh thần tích cực cho nhóm của mình.

Bạn sẽ làm gì khi nhận khiếu nại/ phàn nàn từ khách hàng?

Với những công việc dịch vụ, chăm sóc khách hàng là một kỹ năng không thể thiếu. Chìa khóa cho câu hỏi tình huống này là thái độ tôn trọng, sẵn sàng giúp đỡ khách hàng, đồng thời đề cao những giá trị của công ty. Hãy tiếp cận tình huống theo một trình tự logic: tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, xin lỗi khách hàng vì trải nghiệm không vui, thảo luận về cách giải quyết vấn đề.

Bạn sẽ làm gì nếu có một vấn đề cần giải quyết gấp nhưng không liên lạc được với quản lý hay đồng nghiệp?

Đây là một câu hỏi phổ biến khi tìm việc online. Người phỏng vấn muốn đánh giá sự chủ động, tự lập và khả năng giải quyết vấn đề của bạn khi việc liên lạc với mọi người bị hạn chế. Khi gặp tình huống khó khăn này, hãy chủ động tiếp cận và xử lý trong khả năng của bạn, cũng như nhanh chóng cập nhật tình hình ngay khi có sự xuất hiện của quản lý và đồng nghiệp. Với những vấn đề nghiêm trọng cần ý kiến của quản lý, bạn không nên xử lý theo ý riêng mà nên cố gắng thỏa hiệp để trì hoãn.

Các câu hỏi tình huống sẽ không còn quá "khó nhằn" khi bạn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúc bạn chinh phục thành công buổi phỏng vấn tiếp theo!

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cach-ung-dap-7-cau-hoi-tinh-huong-thuong-gap-khi-phong-van-222021103133820592.htm