Cách vượt qua cảm xúc tiêu cực

Nếu không thay đổi được những hành vi độc hại của đối phương thì bạn nên cân nhắc chuyện rời khỏi hay giữ khoảng cách với người đó...

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hạn chế các mối quan hệ độc hại

Những dấu hiệu của mối quan hệ độc hại bao gồm sự dối lừa, bạo hành về thể xác, không cảm thấy an toàn, không được tôn trọng, luôn chỉ trích và đổ lỗi, lạm dụng quyền và luôn muốn điều khiển đối phương…

Nếu không thay đổi được những hành vi độc hại của đối phương thì bạn nên cân nhắc chuyện rời khỏi hay giữ khoảng cách với người đó. Với người yêu, điều này có nghĩa là chia tay tạm thời hoặc mãi mãi. Với đồng nghiệp, bạn nên cố gắng giữ khoảng cách càng xa càng tốt. Nếu không làm gì cả thì bạn sẽ càng khiến bản thân chìm sâu trong sự ảnh hưởng tệ hại về mặt thể xác lẫn tinh thần.

Cảnh giác với các dấu hiệu của cảm xúc tiêu cực

Cho dù bạn cảm thấy thế nào, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn trải qua bất cứ một dấu hiệu cảnh báo nào dưới đây:

- Cô lập, cách ly khỏi bạn bè và gia đình, có suy nghĩ như thể bạn không thuộc về bất cứ đâu và bản thân là một gánh nặng.

- Căm ghét bản thân, cảm thấy tuyệt vọng.

- Thay đổi tâm trạng đột ngột (kể cả theo chiều hướng tốt), bùng nổ giận dữ, không kiểm soát được sự thất vọng, bối rối hoặc lo lắng.

- Việc sử dụng rượu, bia hoặc thuốc kích thích có chiều hướng tăng.

- Mất ngủ hoặc ngủ đứt quãng.

- Nói về việc tự tử, lên kế hoạch cho điều đó.

- Mặc dù tự làm tổn thương bản thân không giống với việc cố gắng tự tử nhưng hai việc này có liên quan mật thiết với nhau. Hãy tìm đến sự hỗ trợ ngay tức khắc nếu bạn thường xuyên tự làm tổn thương bản thân.

Biến ngôi nhà thành một nơi an toàn

Hãy cất giữ cẩn thận tất cả những đồ vật bạn có thể dùng để làm tổn hại bản thân như thuốc, dao lam, dạo gọt... Đưa chúng cho người khác cất giữ, vứt bỏ hoặc cất chúng vào một nơi không dễ lấy.

Chia sẻ suy nghĩ với những người mà bạn tin tưởng

Bạn cần những người bạn biết lắng nghe, không đưa ra bất cứ phán xét nào với bạn. Ngay cả những người có thiện ý đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ vì mong muốn tự chấm dứt cuộc sống của mình.

Tìm hiểu câu chuyện của những người khác

Đọc sách, xem phim hay lắng nghe câu chuyện từ những người đã và đang vận lộn với những suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp bạn nhận thấy rằng bạn không chỉ có một mình. Nó hướng bạn đến những phương thức đối phó mới hoặc tạo thêm động lực cho bạn tiếp tục cố gắng.

Lập kế hoạch kiềm chế những suy nghĩ tiêu cực

Dưới đây là một ví dụ về kế hoạch an toàn cơ bản: Gọi điện cho ai đó trong danh sánh những người mà bạn có thể nói chuyện. Viết một danh sách 5 người hoặc hơn. Khi lâm vào khủng hoảng, bạn sẽ cố gọi điện cho những người trong danh sách đó cho tới khi có người nghe máy. Đề nghị một người thân hoặc người bạn tin tưởng đến ở cùng. Nếu không ai có thể đến, bạn sẽ đi đến một nơi mà bạn cảm thấy an toàn.

Yêu thương bản thân hơn nữa

Đừng tự trách bản thân tại sao lại có những suy nghĩ tiêu cực như vậy mà hãy chấp nhận rằng mình đang không ổn và mình sẽ tìm cách vượt qua, mọi chuyện rồi sẽ khá hơn. Đừng tự dằn vặt bản thân, coi mình là kẻ có tội. Những gì bạn đang trải qua có thể là hệ quả từ những rối loạn tâm lý chứ không phải do bản thân bạn muốn thế.

Nhận ra rằng mình cần sự giúp đỡ và đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, từ những người có cùng trải nghiệm với bạn, từ những chuyên gia như bác sĩ, chuyên viên tư vấn. Đừng vì cái nhìn của người khác mà trốn tránh, không đối mặt với vấn đề để rồi tự làm tổn thương mình.

Trí Nguyên (tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cach-vuot-qua-cam-xuc-tieu-cuc-20231205100341321.htm