Cách xem căn cước điện tử trên VNeID phiên bản 2.1.7 mới nhất
Mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp 1 căn cước điện tử. Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
1. Đã có thể xem căn cước điện tử trên VNeID từ ngày 1/7/2024
Từ ngày 1/7/2024, đối với công dân đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì ứng dụng VNeID đã hiển thị căn cước điện tử.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định 69/2024/NĐ-CP, đối với công dân đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 02 trước ngày 01/7/2024, cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an có trách nhiệm tạo lập và hiển thị căn cước điện tử cho công dân thông qua Ứng dụng định danh quốc gia kể từ ngày 01/7/2024.
2. Cách xem căn cước điện tử trên VNeID từ ngày 1/7/2024
Để xem căn cước điện tử trên VNeID thì công dân thực hiện các bước sau:
- Cập nhật ứng dụng VNeID lên phiên bản 2.1.7.
- Vào mục ví giấy tờ, căn cước điện tử được hiển thị tại tại mục này, công dân bấm xem thông tin chi tiết và sau đó nhập passcode để xem được tất cả các thông tin trên căn cước điện tử bao gồm:
+ Số định danh cá nhân,.
+ Họ và tên.
+ Ngày sinh.
+ Giới tính.
+ Nơi đăng ký khai sinh.
+ Quê quán.
+ Quốc tịch.
+ Dân tộc.
+ Tôn giáo.
+ Nơi thường trú.
+ Nơi ở hiện tại.
+ Đặc điểm nhân dạng.
+ Ngày cấp.
+ Số thuê bao di động
+ Thông tin gia đình,…
3. Giá trị sử dụng của căn cước điện tử
Việc sử dụng căn cước điện tử thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02 của công dân có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước còn hiệu lực trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
(Điều 33 Luật Căn cước 2023, khoản 3 Điều 28 Nghị định 69/2024/NĐ-CP)
4. Cách làm căn cước điện tử
- Đối với công dân đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì ứng dụng VNeID sẽ tự động hiển thị căn cước điện tử cho công dân.
- Đối với công dân chưa có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì căn cước điện tử sẽ được cấp cùng lúc khi công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
(Khoản 6 Điều 40, khoản 2 Điều 28 Nghị định 69/2024/NĐ-CP)
5. Thông tin trong căn cước điện tử
Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau đây:
- Thông tin quy định từ khoản 6 đến khoản 18 và khoản 25 Điều 9, khoản 2 và khoản 4 Điều 15 của Luật Căn cước 2023, cụ thể bao gồm:
+ Nơi sinh.
+ Nơi đăng ký khai sinh.
+ Quê quán.
+ Dân tộc.
+ Tôn giáo.
+ Quốc tịch.
+ Nhóm máu.
+ Số chứng minh nhân dân 09 số.
+ Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.
+ Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.
+ Nơi thường trú.
+ Nơi tạm trú.
+ Nơi ở hiện tại.
+ Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.
+ Thông tin nhân dạng.
+ Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
- Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
(Khoản 2 Điều 31 Luật Căn cước 2023)