Cách xử trí thông minh khi phát hiện con bắt nạt bạn trên mạng

Khi phát hiện trẻ bắt nạt bạn trên không gian mạng, phụ huynh phải giữ bình tĩnh, không đổ lỗi cho con. Đồng thời, cha mẹ cần bên cạnh, cùng con tìm nguyên nhân và giải pháp.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, trẻ em được tiếp cận không gian mạng từ rất sớm. Trẻ em sử dụng mạng internet để tìm kiếm thông tin, xem video, chơi game, tham gia mạng xã hội…

Bên cạnh những lợi ích, không gian mạng ẩn chứa nhiều nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển an toàn của trẻ em. Trong các ẩn họa ấy, việc trẻ bị bắt nạt trên không gian mạng ngày càng tinh vi, khó lường.

Ngày nay, trẻ em có xu hướng tiếp cận các tiện ích trên không gian mạng từ rất sớm. Ảnh minh họa: Ngọc Lài

Ngày nay, trẻ em có xu hướng tiếp cận các tiện ích trên không gian mạng từ rất sớm. Ảnh minh họa: Ngọc Lài

Nguyên nhân biến trẻ thành kẻ bắt nạt

Theo báo cáo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vào tháng 5/2023, trung bình 5 trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng internet thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng. Tuy nhiên, 3/4 trong số đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.

Điều đáng nói, trên không gian mạng, trẻ không đơn thuần là nạn nhân mà trở thành người tham gia, khởi xướng… các hành vi bắt nạt người khác.

Cha mẹ làm gì khi phát hiện con bắt nạt bạn trên không gian mạng? Đó là câu hỏi được đưa ra nhiều không kém câu hỏi ở chiều ngược lại.

Trước thắc mắc như trên, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An khẳng định: “Cha mẹ cần bảo vệ con đúng cách dù trẻ ở vị trí bắt nạt hay bị bắt nạt”.

Thạc sĩ Đặng Hoàng An phân tích, khi phát hiện con bắt nạt người khác, cha mẹ phải giữ bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá lại môi trường gia đình.

Để gỡ được nút thắt “tại sao con bắt nạt bạn?”, phụ huynh cần nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Nguyên nhân biến một đứa trẻ thành kẻ bắt nạt người khác đến từ nhiều phía.

“Con có từng bị bắt nạt, người khác hướng dẫn con bắt nạt bạn trẻ khác, trẻ tiêm nhiễm thói xấu bắt nạt người khác từ ai đó trong gia đình… Đó là những nguyên nhân dễ dàng nhận ra nếu phụ huynh chịu khó lắng nghe giãi bày của con trẻ”, thạc sĩ Hoàng An cho biết.

Nhận ra được nguyên nhân biến trẻ thành kẻ bắt nạt, gia đình phải tìm cách giải quyết, xóa bỏ tác nhân nguy hiểm.

Nếu môi trường gia đình có chứa đựng sự bắt nạt (cha mẹ, anh chị em bắt nạt trẻ hoặc người khác) thì cha mẹ phải thay đổi, xây dựng môi trường sống văn minh hơn.

Thạc sĩ Hoàng An khẳng định: “Dưới góc độ khoa học tâm lý gia đình, môi trường gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ em. Thông thường, trẻ sẽ học theo thói quen tốt và tiêm nhiễm thói xấu của người thân trong gia đình”.

Nếu con từng là nạn nhân của bắt nạt và biến thành kẻ bắt nạt người khác thì phụ huynh phải hết sức nhẹ nhàng, lắng nghe tâm sự của con.

Tiếp đó, cha mẹ từng bước mở nút thắt chuyện con bị bắt nạt ngày trước, rồi khéo léo đặt con vào vị trí người bị bắt nạt như những ngày đầu để con đồng cảm với người bị con bắt nạt ở hiện tại.

Đối với kẻ bắt nạt là những đứa trẻ thích thể hiện bản thân, phụ huynh cần hiểu tính cách bốc đồng đó bắt nguồn từ sự thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Trẻ lớn lên trong môi trường gia đình đổ vỡ, thường cố tỏ ra mạnh mẽ bằng cách bắt nạt người khác.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An

Một nguyên nhân gián tiếp khác biến trẻ thành kẻ bắt nạt là những lời xúi giục của người khác. Hoặc đôi lúc thấy mọi người vô tư bắt nạt người khác trên không gian mạng, con trẻ lại bắt chước làm theo.

Với mỗi nguyên nhân khác nhau, phụ huynh cần áp dụng những phương án hỗ trợ con trẻ khác nhau, phù hợp. Cha mẹ không nên sử dụng đòn roi, đe dọa mà phải phân tích, mềm dẻo, uốn nắn lại con.

Đừng mặc kệ con trẻ “tự bơi” trong biển cả thông tin

Song song việc định hướng nhận thức cho con trẻ, phụ huynh cũng cần nhìn nhận lại bản thân, môi trường gia đình…

Việc trẻ em tiếp xúc mạng xã hội nói riêng và không gian mạng nói chung từ rất nhỏ, xuất phát từ việc cha mẹ lơ là trong quản lý con cái.

Phụ huynh phải nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho con trẻ, không được phán xét… Khi nhận sự quy chụp trách nhiệm từ cha mẹ, trẻ thường thu mình, không chia sẻ suy nghĩ.

“Phụ huynh phải là người đồng hành, nâng đỡ tinh thần cho con, đừng tự biến mình trở thành kẻ bắt nạt con một lần nữa.

Cha mẹ không để con “tự bơi” trong lúc sóng gió, phải bảo vệ con bằng mọi cách.

Phụ huynh cân nhắc có nên cho con sử dụng mạng xã hội hoặc hướng dẫn con sử dụng internet đúng cách, đừng “bỏ con” lạc lõng giữa biển cả thông tin”, thạc sĩ Đặng Hoàng An đưa ra lời khuyên.

Ngọc Lài

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-xu-tri-thong-minh-khi-phat-hien-con-bat-nat-ban-tren-mang-2210777.html