Café chủ nhật: Sẻ chia từ điều bình dị

Chị bàn với chồng, vào năm học mới mua cho con gái chiếc cặp mới, thay thế cặp cũ. Nhưng con gái biết được, đã từ chối.

Minh họa: Tiến Thành

Minh họa: Tiến Thành

Con chạy vào nhà, đem ra chiếc cặp cũ đã được giặt sạch, cất giữ lâu nay, mỉm cười nói với chị: “Chiếc cặp cũ này hãy còn tốt lắm. Mẹ không phải tốn tiền mua cặp mới cho con đâu ạ”. Lời nói của con khiến chị vừa ngạc nhiên vừa không khỏi tò mò.

Nhớ ngày con vào lớp 1, chị đã mua chiếc cặp mới con thích. Chiếc cặp màu hồng có nhiều ngăn bên trong và bên ngoài, rất tiện lợi cho việc đựng sách, vở, bút, thước, màu tô, nước uống… khi đến trường.

Chị đã nói với con rằng, “Chiếc cặp này chính là nơi ấp ủ, chứa đựng ước mơ của con. Nó sẽ giúp con biến ước mơ của mình thành hiện thực”. Con gái híp mí cười, vòng tay cảm ơn chị, hai tay nâng niu món quà ý nghĩa và hứa sẽ bảo quản cẩn thận, xem chiếc cặp như là người bạn thân của mình.

Anh chị thường kể cho con nghe những kỉ niệm về tuổi học trò của mình: Nào là niềm vui ngày đầu tiên đến lớp, nào chuyện về chiếc cặp, cuốn sách tập vở, nào là thầy cô, bạn bè…

Rồi con tò mò không biết cặp đi học của bố mẹ ngày xưa như thế nào? Có đẹp, có đủ màu sắc, kiểu dáng và tiện lợi như cặp của con bây giờ hay không? Xoa đầu con, chị mỉm cười: “Cặp đi học của bố mẹ ngày xưa khác với cặp của các con bây giờ nhiều lắm. Nó không đẹp, không sang, không có nhiều kiểu dáng, màu sắc, cũng không có nhiều ngăn và đắt tiền như bây giờ. Thế nhưng với bố mẹ, đó là món quà vô giá, là hạnh phúc ngập tràn”.

Thế hệ 8X, 9X của anh chị thời ấy, đa phần gia đình nào cũng đều nghèo khó. Ước mơ được ăn no, mặc ấm đã khó, nói gì đến chuyện được học hành. Được đến trường, với những đứa trẻ nghèo sống ở làng quê bấy giờ trở thành niềm mơ ước, khát khao cháy bỏng và mãnh liệt.

Điều may mắn của chị chính là, dù khó khăn, thiếu thốn thế nào, bố mẹ chị cũng quyết lo cho mấy anh em chị được học hành tử tế, những mong mai sau khôn lớn nên người.

Đóng góp sách vở cũ gửi tơí́ bạn nghèo.

Đóng góp sách vở cũ gửi tơí́ bạn nghèo.

Bạn bè chị, đứa thì có cặp cói, đứa thì có cặp áo mưa… còn chị thì có chiếc cặp “cám cò”. Đứa được thừa hưởng từ anh chị, đứa đi xin, có đứa được bố mẹ tận dụng từ miếng áo mưa, quần áo cũ mà thành cặp...

Chị vẫn thường gọi chiếc cặp của mình bằng cái tên “cặp trường kì”. Vì chiếc cặp ấy đã có tuổi đời 4 - 5 năm, trước khi đến với chủ nhân tiếp theo là chị. Chiếc cặp “cám cò” được mẹ chị tận dụng lại từ bì đựng thức ăn chăn nuôi (mẹ xin bà Giàu ở đầu làng khi đi mua đồng nát sắt vụn).

Chiếc cặp ấy đã làm bạn với anh cả của chị suốt mấy năm cấp 1. Lên cấp 2, anh nhường nó cho chị. Cặp chỉ có một ngăn duy nhất, dùng đựng chung sách vở, bút thước. Mỗi ngày đến trường, lúc chị cầm, lúc lại đặt hai quai lên vai, vừa đi vừa nhảy chân sáo. Dù là cặp cũ nhưng chị yêu quý, thương yêu nó như một món quà vô giá.

Chị rất thích đến trường. Không chỉ được gặp thầy cô, bạn bè, mà còn được học hỏi, khám phá nhiều điều hay lẽ phải qua mỗi bài học. Nhờ chiếc cặp cũ, chị càng thêm biết ơn và trân trọng hơn những vất vả, hi sinh của mẹ. Nhờ chiếc cặp cũ, tình yêu với mái trường, thầy cô, bạn bè, với trang sách của chị ngày càng thêm lớn dần.

Cũng nhờ chiếc cặp cũ, ước mơ được làm cô giáo của chị đã từ ấp ủ dần rồi trở thành hiện thực.

Hôm rồi, chị gặp cô chủ nhiệm cũ của con. Cô đã kể cho mẹ nghe rất nhiều về con. Cô khen con không chỉ chăm ngoan, học giỏi; biết giữ gìn vệ sinh trường lớp sạch sẽ, mà còn biết giữ gìn đồ dùng học tập của mình rất cẩn thận.

Không giống như các bạn khác, vừa đến lớp đã vội vàng bỏ cặp nằm chỏng chơ rồi vuột chạy, con luôn đặt chiếc cặp ngay ngắn trên bàn, chính giữa chỗ ngồi của mình rồi mới ra chơi.

Cuối buổi học, con thu dọn sách vở, đồ dùng học tập, xếp đặt ngăn nắp, gọn gàng trong cặp trước khi ra về. Với con, chiếc cặp chính là người bạn thân thiết, người bạn đồng hành cũng cần được yêu thương, bảo vệ.

Chị nhớ lại, sau hôm tổng kết cuối năm trên trường, con đã ngồi bên bàn học của mình, tỉ mẩn sắp xếp lại sách vở, đồ dùng học tập của năm cũ. Bộ sách giáo khoa đã học, con mang tặng lại cho bạn Tiền trong xóm, vì nhà bạn rất nghèo.

Tập vở, con cột gọn gàng và cất trong ngăn tủ, vừa làm kỉ niệm, vừa giữ lại mỗi khi cần. Duy có chiếc cặp, con đem ra bờ giếng, giặt sạch rồi đem phơi. Dù chưa đoán được lí do, nhưng qua việc con làm, chị cảm nhận được niềm vui giản dị, cảm thấy thương con quá đỗi.

Con gái thủ thỉ với chị: “Chiếc cặp này là món quà bố mẹ tặng con. Con sẽ giữ gìn nó làm kỉ niệm mãi sau này”.

Chị hiểu lí do con yêu quý cặp cũ của mình và không muốn bố mẹ mua cặp mới là vì thế. Tuy nhiên đó không phải là tất cả. Con lại kể cho chị nghe về chiếc cặp vải của cậu bạn học cùng lớp. Vì nhà nghèo, không đủ tiền mua cặp mới, mẹ cậu đã tận dụng áo cũ để may thành cặp cho cậu đựng sách vở đến trường.

Con gái sà vào lòng chị rồi nhủ rằng: “Dù là cặp cũ hay mới đều không quan trọng mà quan trọng chính là chiếc cặp có thể đựng được sách vở và là tình yêu thương bố mẹ dành cho mình, đúng không mẹ?”. Vòng tay ôm lấy con, chị cảm nhận được một nguồn vui rất lạ.

Chị nhận ra con gái đã trưởng thành lên rất nhiều qua từng suy nghĩ, hành động, việc làm thường ngày. Và việc con biết trân trọng, yêu thương, giữ gìn, quan tâm, sẻ chia với những điều bình dị quanh mình chính là hành trang quý báu để con bước vào cuộc đời rộng lớn sau này.

Lê Thị Xuyên (Giáo viên Trung tâm GDNN – GDTX thị xã An Nhơn, Bình Định)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cafe-chu-nhat-se-chia-tu-dieu-binh-di-post654409.html