Café ngày mới: Công nghệ của tương lai
Máy móc công nghiệp, máy vi tính… đã đưa nhân loại qua những cuộc cách mạng công nghiệp, mở ra những chân trời tươi đẹp.

Sự phát triển của AI giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nhưng vẫn còn đó nguy hiểm tiềm tàng nếu không được sử dụng đúng mục đích. Ảnh minh họa: ITN.
Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng ngày được phát triển, cải thiện cùng nhiều hứa hẹn về hữu ích dành cho cuộc sống.
Hiện nay, AI được biết đến rộng rãi với các phần mềm giải đáp câu hỏi có khi còn “hơn cả Google” như ChatGPT (OpenAI), Bard (Google), Bing AI (Microsoft),… nhưng những ý tưởng nghiên cứu và thiết kế công cụ này đã xuất hiện từ giữa thế kỉ XX bởi nhà toán học và nhà khoa học máy tính kiệt xuất Alan Turing.
Cho tới năm 1952, nhà khoa học máy tính Arthur Samuel đã phát triển nên chương trình có khả năng tự học và đánh bại các kì thủ chơi cờ caro chuyên nghiệp. Tới những năm 60 của thế kỉ XX, những chương trình như STUDENT, ELIZA, DENDRAL… đã được lập trình để hiểu ngôn ngữ tự nhiên và thậm chí chương trình ELIZA có thể đối thoại với người dùng bằng tiếng Anh về bất cứ chủ đề nào.
Và cho tới những năm cuối cùng trước khi bước sang thế kỉ XXI, nhân loại đã có thêm nhiều bước tiến lớn trong ngành trí tuệ nhân tạo: Năm 1986 đánh dấu chiếc xe không người lái đầu tiên.
Chatbot A.L.I.C.E được phát triển năm 1995, lấy cảm hứng từ chương trình ELIZA và được tích hợp dữ liệu ngôn ngữ tự nhiên lớn chưa từng có. Và cho tới năm 2000, Honda đã cho ra mắt robot ASIMO có khả năng di chuyển nhanh như người bình thường và giao đồ dùng cho khách hàng trong nhà hàng.
Bước sang thế kỉ XXI, những phần mềm trí tuệ nhân tạo như Siri (Apple), Alexa (Amazon), và cho tới hiện nay là ChatGPT (OpenAI), Bard (Google), Bing AI (Microsoft),… lần lượt được giới thiệu với độ thông minh càng ngày càng cao, giúp con người trong nhiều khía cạnh đời sống như mua sắm, trả lời câu hỏi,…
Giờ đây, thật khó để tìm ra được những món đồ công nghệ trong cuộc sống hiện nay mà không sử dụng tới AI. Chiếc máy tính tôi dùng được xác nhận sản xuất từ năm 2010 cũng ẩn chứa đâu đó bóng dáng của AI - có thể là tính năng tự động gạch lỗi chính tả và đề xuất từ phù hợp của Microsoft Office Word chẳng hạn.
Quả thực, qua thời gian, AI càng ngày càng được phát triển tinh vi hơn, hứa hẹn đem lại nhiều tiện ích hơn nữa cho con người trong tương lai. Nhiều công ty hàng đầu thế giới sử dụng tới trí tuệ nhân tạo để người dùng có trải nghiệm thoải mái nhất: Công ty Amazon đã sử dụng Alexa với mục đích giúp đỡ khách hàng mua sắm dễ dàng hơn trên trang web.

Minh họa/INT.
Những nội dung đề xuất mà mọi người thường thấy trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube,… của mình cũng đến từ việc AI học tập sở thích của người dùng và đưa ra gợi ý liên quan.
Không chỉ dừng lại tại đó, AI còn giúp tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc khi thực hiện nhiều công việc một cách tự động – chính xác và nhanh gọn hơn so với con người. Trong các dây chuyền sản xuất những sản phẩm phức tạp như ô tô, linh kiện điện tử,… rất nhiều máy móc được lập trình sẵn để thực hiện một công việc nhất định, qua đó tiết kiệm được nguồn lực và thời gian làm việc của con người, lại đảm bảo tính chính xác không cần phải kiểm tra.
Nhưng, những lợi ích tốt đẹp thường đi kèm với những tác hại khôn lường, và AI cũng không phải là ngoại lệ. Do có khả năng học tập và tiếp thu thông tin nhanh gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với con người, chính vì vậy, nếu AI không được định hướng để tiếp thu thông tin đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Những lĩnh vực như giao thông, điện lực,… nếu như thiếu đi sự chính xác trong các tình huống sẽ dẫn đến không ít hệ lụy nguy hiểm: Có thể một ngày tôi phải hứng chịu bị mất điện cả chục lần chẳng hạn, hay nếu các đèn tín hiệu giao thông bất ngờ bị ngắt sẽ gây ra ùn ứ, tắc đường, thậm chí là cả tai nạn giao thông.
Những điều đó sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu như AI được áp dụng vào những ngành nghề cần tới sự chính xác cao và công bằng như y tế, tài chính, hình sự,… Những thông tin không chính xác, trung lập của AI sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm, thậm chí là quyết định cả một cuộc đời con người.
Càng nghiêm trọng hơn nữa, các tin tặc có thể lợi dụng AI để tìm kiếm và đánh cắp dữ liệu cá nhân của con người. Tận dụng lợi thế xử lí dữ liệu, tin tặc sẽ yêu cầu trí tuệ nhân tạo “học tập” các mã độc để tấn công vào trang web, qua đó lấy đi những thông tin cá nhân.
Tin tặc sẽ sử dụng chính những thông tin cá nhân ấy để tống tiền nạn nhân, hoặc cũng có thể bán cho người khác để lấy tiền. Qua những vụ tấn công ấy, chẳng mấy chốc mà không còn thông tin của bất cứ cá nhân nào là an toàn và bảo mật nữa.
Sự phát triển của AI đang từng ngày giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nhưng vẫn còn đó những nguy hiểm tiềm tàng nếu không được sử dụng đúng mục đích. Hi vọng rằng, trong tương lai, những văn bản thỏa thuận sử dụng AI đúng cách sẽ hạn chế tới mức tối thiểu những nguy hiểm tiềm tàng, giúp thế giới tiến về phía trước một cách lành mạnh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cafe-ngay-moi-cong-nghe-cua-tuong-lai-post738250.html