Hà Nội cấm xe máy xăng: Cơ hội bứt phá cho giao thông sạch và công nghệ xanh

Việc cấm xe máy xăng trong vành đai 1 của Hà Nội từ 1/7/2026, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mở ra hướng phát triển mới cho ngành công nghệ xanh tại Việt Nam.

Ngày 1/7/2026, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực, yêu cầu dừng lưu thông các phương tiện mô tô, xe máy chạy bằng xăng trong vành đai 1 của Hà Nội, với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển giao thông sạch.

Việc Hà Nội cấm xe máy xăng được đánh giá là một trong những bước đi quyết liệt của Chính phủ đối với vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt là trong các đô thị lớn. Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, cũng như các giải pháp hỗ trợ hợp lý cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy Ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, quyết định này không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí mà còn mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp giao thông xanh.

Chủ trương quyết liệt vì môi trường

Theo Tiến sĩ Khương Kim Tạo, thực hiện chỉ thị này là một chủ trương thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do giao thông. Ông Tạo nhấn mạnh: “Cấm xe máy chạy xăng sẽ là một bước đi quan trọng để giảm thiểu khí độc hại vào môi trường, đồng thời mở ra cơ hội cho Hà Nội thực sự xanh hóa giao thông”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, để thực hiện thành công, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ, triển khai các biện pháp hỗ trợ phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận và thay đổi phương tiện giao thông cũng như xây dựng các trạm sạc xe.

Hà Nội cần thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Ảnh minh họa

Hà Nội cần thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Ảnh minh họa

Một trong những vấn đề cần giải quyết khi triển khai cấm xe máy chạy xăng là quy định về khu vực phát thải thấp. Tiến sĩ Tạo nhận định: “Hiện nay, tiêu chí để xác định các vùng phát thải thấp vẫn còn thiếu sót và chưa đầy đủ. Chúng ta cần đề xuất các tiêu chí cụ thể hơn, xác định rõ ràng đâu là khu vực có mức độ ô nhiễm thấp, từ đó có kế hoạch mở rộng dần ra toàn thành phố.

Chắc chắn rằng chất lượng không khí sẽ được cải thiện đáng kể khi chính sách trên được triển khai. Tuy nhiên, mức độ cải thiện sẽ phụ thuộc vào tiến độ thực hiện, bao gồm việc thay thế các phương tiện cũ và đẩy mạnh sử dụng xe điện”. Ông cũng cho rằng, bên cạnh giảm ô nhiễm không khí, chính sách này còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Cũng trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần phải có các giải pháp chuyển đổi phương tiện hợp lý, bao gồm các chính sách hỗ trợ người dân chuyển từ xe máy chạy xăng sang xe điện.

Ông Tùng cho biết: “Cấm xe máy chạy xăng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể như trợ giá cho việc chuyển đổi xe cũ sang xe điện, cùng với phát triển các chương trình hỗ trợ tài chính để người dân có thể dễ dàng tiếp cận các phương tiện mới”.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các hệ thống giao thông công cộng sạch: “Chúng ta không thể chỉ cấm xe máy chạy xăng mà không có những phương tiện thay thế hợp lý. Hệ thống giao thông công cộng cần được nâng cấp, đặc biệt là xe buýt điện và các phương tiện khác có thể giảm bớt phụ thuộc vào xe máy cá nhân”.

Cơ hội cho doanh nghiệp chuyển hướng sang giao thông sạch

Tiến sĩ Khương Kim Tạo cho rằng, Chỉ thị 20 ngoài việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển hướng phát triển công nghệ giao thông sạch: “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể chuyển hướng đầu tư sang sản xuất xe điện và các thiết bị liên quan như pin, trạm sạc”.

Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng xe điện, Tiến sĩ Tạo cho rằng Chính phủ có thể có các chính sách ưu đãi hoặc tạo một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch để họ yên tâm đầu tư.

Các doanh nghiệp cũng cần tự chủ động trong việc kết nối với nhau để hình thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, từ sản xuất phương tiện, pin cho đến hạ tầng sạc nhằm đảm bảo tính bền vững lâu dài”, ông Tạo nói.

Cùng chung nhận định, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới để tạo ra các phương tiện giao thông hiệu quả hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tiết kiệm chi phí cho người sử dụng.

Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, Thủ tướng lưu ý Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Minh Khánh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-cam-xe-may-xang-co-hoi-but-pha-cho-giao-thong-sach-va-cong-nghe-xanh-410417.html