Café Tùng: Trên những dấu chim di

Café Tùng cũng thấm đẫm tâm thế đó cho dù đã xuất hiện ở Đà Lạt hơn nửa thế kỷ...

Café Tùng hiểu rõ thân phận lữ khách của những ai đến với Đà Lạt

Café Tùng hiểu rõ thân phận lữ khách của những ai đến với Đà Lạt

Đà Lạt là một cuộc lữ bất tận, không mở đầu và cũng không kết thúc. Sự lắng đọng của dịch chuyển có chăng chỉ thánh thót như giọt cà phê rơi chậm trong quán café Tùng - một coffee house cổ điển kiểu Pháp nằm ở khu Hòa Bình, vùng lõi của đô thị trăm năm Đà Lạt.

Những kẻ du hành người Pháp đã tìm ra mảnh đất chìm trong sương khói này từ cuối thế kỷ 19 để trao nó cho những tâm hồn lãng du mộng mơ tiếp nối. Tinh thần đó lảng bảng quanh mảnh đất này, để khiến bất cứ ai đến với Đà Lạt đều cảm thấy mình chỉ là một lữ khách như chiêm nghiệm của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Café Tùng cũng thấm đẫm tâm thế đó cho dù đã xuất hiện ở Đà Lạt hơn nửa thế kỷ, trở thành một phần hồn cốt của thành phố hình thành từ cao nguyên Lâm Viên. Chẳng phải tâm thế đó xuất hiện từ cuộc du hành của ông Trần Đình Tùng, người thành lập quán café Tùng từ Hà Nội vào Đà Lạt từ những năm 40 của thế kỷ trước mà bởi vì cái chất xê dịch phủ dày lên không gian này như lớp bụi thời gian.

Ông Tùng, một trong những thanh niên Bắc Việt đầu tiên thiên di về Đà Lạt, dường như cũng mang trong mình chút máu phiêu lưu như nhà báo, nhà thám hiểm, thương gia Nguyễn Văn Vĩnh rất thường thấy ở lớp trai Hà Nội ở giai đoạn đầu thế kỷ 20 đến thời tiền chiến.

Lang bạt vào cao nguyên Langbiang này, ông Tùng trải qua rất nhiều nghề mưu sinh, từ viên chức chính quyền đến hớt tóc tự do. Nhưng rồi, số phận lại đẩy ông về với nghề kinh doanh để kiếm tiền tốt hơn đặng nuôi gia đình. Đó là thời điểm café Tùng hình thành.

Ông Tùng mở tiệm cà phê đầu tiên trên đường Thành Thái cũ, nay là đường Nguyễn Chí Thanh ở thành phố Đà Lạt. Quán café trụ được vài ba năm thì phải dời đi do thay đổi quy hoạch khu trung tâm đến một kiosque dãy nhà bên hông Chợ Cũ, nay là rạp hát Hòa Bình.

 Một góc café Tùng

Một góc café Tùng

Năm 1960, Đà Lạt trải qua một cuộc bể dâu để khai trương Chợ Mới (nay là chợ Đà Lạt) dẫn đến việc phải giải tỏa dãy kiosque bên hông Chợ Cũ. Biến động này khiến ông Tùng và gia đình phải dời quán café đến số 6 khu Hòa Bình. Để rồi từ đó đến nay, số 6 khu Hòa Bình trở thành một chốn đi về, ngót nghét 60 năm cuộc đời ai đó.

Hàng chục thập niên đã trôi qua, quán café Tùng cũng quay hết một vòng đáo tuế, ông chủ Tùng cũng không còn nữa, có chăng chỉ là chút di ảnh về một ông chủ quán cà phê nhã nhặn, luôn ăn mặc lịch sự, chất bặt thiệp của người Hà Nội toát ra từ giọng nói đến gu (gout) cà phê Pháp của mình.

Vậy gout café Tùng rất nổi tiếng ở Đà Lạt có gì ở Tùng đặc biệt so với những quán cà phê khác? Đấy là cái gout xuất phát từ tính cách lãng tử, nghệ sĩ song vẫn rất tỉ mỉ, chắt chiu mà ông đã thổi hồn cho quán. Ông giữ nề nếp đến mức chỉ mướn người phục vụ là người thân để đảm bảo chất lượng mà ông đặt ra.

Cà phê ở đây cũng do chính tay ông và vợ rang, xay theo công thức riêng của gia đình, trung thành với kiểu cà phê pha phin dành cho người sống chậm. Cái gout đó, phong cách đó đã được duy trì từ khi ông Tùng còn tại thế, rồi truyền thừa lại cho con trai của mình, mạch cứ thế mà chảy, không dứt.

Chính vì thế, café Tùng đã tạo được một thế giới khách thưởng thức cafe cũng rất đồng điệu với mình. Khách vào đây còn để tìm về cho tâm hồn mình những tiết tấu của một điệu blues buồn da diết, tiếng đàn cello du dương tình cảm... Gout nhạc ở Tùng được tuyển chọn rất riêng, rất phù hợp với không gian có thiết kế ấm cúng nhưng không kém phần lịch thiệp.

Khách đến café Tùng không chỉ thưởng thức được cà phê mà còn có cơ hội nhìn ngắm một thứ hội họa mang giá trị trường tồn mãi với thời gian như tranh của Vị Ý, của họa sĩ Đinh Cường... Họ ngả đầu trên những chiếc ghế đệm bọc da cũ kỹ, lắng tai nghe giọng ca của Edith Piaf, dành cho mình những phút giây được sống lại trong một miền ký ức Đà Lạt cổ kính, hoài niệm chỉ có ở café Tùng.

Và những người khách đã làm nên danh tiếng của café Tùng như một hội quán của giới văn nghệ sĩ đã du hành đến đất này để ngồi ở chốn này... giờ cũng đã phôi pha nhiều. Giọng ca của Khánh Ly còn đó, nhưng Trịnh Công Sơn đã vân du cõi mộng từ lâu, tiếng hát Lê Uyên vẫn cất lên từ vũng lầy nhưng nhịp đàn của Phương không còn theo em xuống phố.

Tất cả cứ đến rồi đi, chỉ để lại những vết chim di của mình ở café Tùng. Khói thuốc, hương cà phê, bụi đường xa và ký ức đã tạo nên khí chất phiêu lãng cho quán.

Cho dù vẫn là không gian nâu trầm đó, vẫn thứ âm nhạc Pháp du dương đó, vẫn cái mặt bàn đá cẩm thạch trắng đó nhưng giọt cà phê đang rơi hôm nay không còn là giọt cà phê đã rơi hôm nào, khi ta là cô lữ đơn độc bước vào vùng lạ của 10 năm trước hay khi ta cười vang giữa bạn bè của cuộc hội ngộ cách đây 5 năm.

Nhiều lúc, ngồi ở góc quen ưa thích tại café Tùng, co ro giữa những mặt người xa lạ, gã khách rong rêu cứ nhìn hàng nghìn, hàng nghìn trôn tách cà phê đã in dấu lên mặt đá cẩm thạch. Những vòng tròn không màu cứ chồng lấp lên nhau như cố hằn vết dấu nhỏ nhoi về ly cà phê của hôm nay.

Nhưng thời gian ở café Tùng gần như không có giá trị. Nếu như không nhìn những bước thời gian hiển thị trên cổ tay, người ta sẽ chẳng biết đến ngày tháng. Vẫn là vị cà phê pha phin ngọt đắng tí tách chảy qua tấm lọc bằng nhôm. Vẫn là thứ trà thơm được phục vụ trong bộ ấm chén bằng sứ trắng, sạch sẽ. Vẫn là những viên đá lanh canh trong ly thủy tinh cao.

Đấy là những thứ của ngày hôm qua, như những làn khói thuốc vẫn được phép bay trong café Tùng. Những khách hàng thuộc Gen Z có thể khó chịu với làn khói ấy, nhưng xin hãy nhớ rằng, những gì ở đây không thể bị soi chiếu bằng khúc xạ hiện tại và người ta đến đây để tìm về hoài niệm chứ không phải khao khát tương lai.

 Một góc café Tùng

Một góc café Tùng

Dường như không có mấy ưu phiền của lớp người trẻ. Họ vẫn thích thú chiều chuộng bản thân bằng khoảng thời gian sống chậm, nhấm từng ngụm nhỏ cà phê hay xúc từng muỗng sữa chua tuyệt ngon của café Tùng. Đó là một thứ sữa chua mịn màng, rất lâu tan bở dù để ở nhiệt độ phòng, có sự cân bằng giữa vị béo, vị chua và ngọt.

Cốc sữa chua có thể là nét chấm phá mới mẻ nhất trong không gian xưa cũ này, nhưng kỳ lạ sao nó vẫn rất “match” với thứ âm nhạc dìu dặt của Cristina Gigliotti, Tino Rossi, hay là Ngọc Lan hát những bản tình ca Pháp lời Việt. Những người trẻ có khi không biết ai đang hát nhưng thứ âm nhạc đó vẫn làm họ hạnh phúc.

Càng ngày, khi danh tiếng của café Tùng vượt qua khu Hòa Bình và Đà Lạt, thì càng có nhiều người tìm đến. Cái quán nhỏ vẫn ấm cúng đón chào những gương mặt mới, có thể đến vì tò mò, có thể đến một lần check-in xong là thôi, có thể sẽ gặp lại trong nhiều năm.

Bởi café Tùng hiểu rõ thân phận lữ khách của những ai đến với Đà Lạt, không phải vì những chiếc valy đẩy ngày càng xuất hiện nhiều trong quán, không phải đấy là nơi người ta phải đến khi vừa đặt chân đến đất này hay phải ngồi trước khi ra sân bay mà bởi vì Đà Lạt vốn chỉ đẹp trong tưởng tiếc và xa cách.

Có thể ngày nào đó café Tùng cũng sẽ biến mất như Đà Lạt thuở hồng hoang. Nhưng bây giờ, những café Tùng, phòng trà Cung Tơ Chiều, Căn Nhà Xưa hay chất chơi của Phước Khùng MPK vẫn là những nơi, những con người mà những mảnh hồn của Đà Lạt nương náu.

Cũng may, còn café Tùng mà những cánh chim di còn có chốn đi về!

An Lê

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cafe-tung-tren-nhung-dau-chim-di-post553449.html