Nâng cao quyền năng làm chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc Mường

Từ những món ăn địa phương như măng giang, rau sắn muối chua, chè khô, măng khô, củ cải, gà đồi, gạo nếp,… phụ nữ xã Văn Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ) đã thành lập được một Tổ liên kết đặc sản xứ Mường. Qua đó, không chỉ giúp hội viên tăng nguồn thu nhập mà còn phát huy thế mạnh của địa phương.

 Bà Hà Thị Hồng Hái (phải) - Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ)

Bà Hà Thị Hồng Hái (phải) - Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ)

Bà Hà Thị Hồng Hái - Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu - đã chia sẻ về hiệu quả của mô hình này.

Được biết Tổ liên kết đặc sản xứ Mường là một trong những mô hình nằm trong kế hoạch thực hiện Dự án 8. Xin bà cho biết vì sao Hội quyết định thực hiện mô hình này?

Phú Thọ là vùng Đất Tổ linh thiêng, nơi cội nguồn của dân tộc. Nơi đây không chỉ có nền văn hóa lâu đời mà còn nổi tiếng với ẩm thực vừa dân dã, vừa đậm đà, cuốn hút, khó có thể tìm kiếm ở bất kỳ nơi nào khác. Nhiều món ăn truyền thống của Phú Thọ như: Cọ ỏm, xáo chuối, cỗ lá người Mường,... đã được thừa nhận là những món ăn ngon, độc đáo mà du khách thường thưởng thức khi đến Phú Thọ.

Tuy nhiên, ngày nay con người đang dần quen với các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…, dẫn đến việc nhiều món ăn Việt có nguy cơ biến mất hoặc bị biến dạng, nhất là các món truyền thống, món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì thế, năm 2021, Hội LHPN xã Văn Miếu đã thành lập Tổ liên kết để giới thiệu và quảng bá sản phẩm đặc sản xứ Mường nhằm bảo tồn và nâng cao giá trị thương hiệu ẩm thực xứ Mường ở Phú Thọ.

Bà Hà Thị Hồng Hái - Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu

Bà Hà Thị Hồng Hái - Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu

Bước đầu thực thi mô hình này như thế nào, thưa bà?

Ý tưởng xuất phát từ việc tận dụng nguồn tài nguyên, nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Tổ liên kết thu mua các nguyên liệu của hội viên, phụ nữ và người dân tại địa phương để chế biến thành các món ăn đặc trưng theo công thức riêng của người dân xứ Mường và giới thiệu sản phẩm tới các thực khách trong và ngoài tỉnh. Từ đó góp phần giới thiệu, quảng bá nền văn hóa ẩm thực dân tộc Mường tới các địa phương khác; đồng thời lan tỏa văn hóa ẩm thực xứ Mường, các món ăn người Mường được mọi người ưa chuộng sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày và trong cả các sự kiện lớn.

Các thành viên của Tổ liên kết

Các thành viên của Tổ liên kết

Xin bà chia sẻ về một số sản phẩm được coi là "đặc sản xứ Mường" mà Tổ liên kết đang thực hiện?

Tổ liên kết hiện giới thiệu và bán các sản phẩm gồm: Măng giang muối chua, rau sắn muối chua, măng ớt, chè khô, măng khô, củ cải, gà đồi, gạo nếp… Đây đều là các sản phẩm do các chị em trong hội trồng, chăm sóc hoặc được chế biến theo công thức truyền thống của người dân tộc Mường.

Trong đó, măng giang muối chua được chế biến rất cầu kỳ, làm từ cây măng non. Măng muối chua thường được bà con sử dụng nấu kèm với thịt gà, chân giò lợn, cá, giúp món ăn có vị chua, mùi thơm đặc trưng, hấp dẫn, thường được sử dụng rất nhiều trong các mâm cỗ của người Mường.

Mặc dù mới phát triển thành hàng hóa nhưng các sản phẩm của tổ hợp tác đã nhanh chóng được mọi người biết đến, ưa chuộng, đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các sản phẩm của Tổ được giới thiệu ở nhiều nơi

Các sản phẩm của Tổ được giới thiệu ở nhiều nơi

Trước khi tham gia Tổ liên kết, đời sống của chị em phụ nữ có đảm bảo không?

Xã Văn Miếu có 1980 hộ, 8050 khẩu với ba dân tộc Mường, Dao, Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 75%. Bà con trong xã chủ yếu làm nông nghiệp, mũi nhọn là cây chè, trồng rừng, đời sống cơ bản ổn định nhưng khó làm giàu. Tổ liên kết đã giúp một số chị em tăng thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Còn các thành viên của tổ thì có cơ hội liên kết làm kinh tế để có thu nhập cao hơn.

Vườn nguyên liệu của Tổ

Vườn nguyên liệu của Tổ

Qua quá trình thực hiện, bà đánh giá thế nào về những đóng góp của mô hình đối với tạo việc làm, nâng cao vị thế và bình đẳng giới cho phụ nữ?

Tổ liên kết tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho khoảng trên 20 lao động nữ tại địa phương, giúp chị em hăng hái tham gia các hoạt động và thu hút hội viên tham gia vào tổ chức Hội. Thu nhập ổn định và tăng dần theo thời gian.

Ngoài ra, các chị em dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều mặc cảm về dân tộc, giới tính, kinh tế,.. Tham gia tổ liên kết giúp các chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc; được mở rộng các mối quan hệ, tầm nhìn để phát triển bản thân. Từ đó góp phần nâng cao vị thế và bình đẳng giới cho chị em dân tộc thiểu số.

Trong thời gian tới, ngoài các sản phẩm sẵn có, Tổ liên kết tiếp tục phối hợp với các hội viên, bà con nhân dân bổ sung, giới thiệu thêm các mặt hàng thực phẩm sạch là đặc sản của địa phương ra thị trường. Đặc biệt là cung cấp các sản phẩm theo mùa, duy trì sự quan tâm thường xuyên của khách hàng với các đặc sản xứ Mường.

Xin cảm ơn bà!

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nang-cao-quyen-nang-lam-chu-kinh-te-cho-phu-nu-dan-toc-muong-20240906112935144.htm